Xét nghiệm thần tốc, tăng cường tầm soát nguồn bệnh

Thứ Tư, 12/05/2021, 08:20
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

Còn các chuyên gia thì nhận định, đây là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay, diễn biến dịch ngày một phức tạp, lây lan rộng. Ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận ca mắc lây nhiễm trong khu cách ly của đoàn chuyên gia Ấn Độ, đến trưa ngày 11/5 cả nước đã có 502 ca mắc trong cộng đồng, 26 tỉnh, thành có dịch. Ngày 10/5, lần đầu tiên Việt Nam xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước vượt ba chữ số,125 ca.

Nhiều ổ dịch có biến chủng Ấn Độ, lây lan mạnh

Hơn 1 tuần đợt dịch thứ 4 xuất hiện, COVID-19 đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố với sự xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều hình thái lây mới như nguồn lây từ khu cách ly, bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, đám cưới…

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện có 4 ổ dịch lớn bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; ổ dịch mới xuất hiện tại Hải Dương - đây là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào. Ca nhập cảnh trái phép về Hải Dương vừa có kết quả giải trình tự gene, mang biến thể của Anh, có tốc độ lây truyền 70%.

Đến ngày 11/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kết quả giải trình tự gene lần 4, trong đó 8 mẫu bệnh phẩm ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và 7 mẫu bệnh phẩm liên quan tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều có kết quả mang chủng virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất toàn cầu hiện nay – chủng  B.1.617.2, biến chủng lần đầu phát hiện ở Ấn Độ.

Nhiều người lo lắng ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành với nhiều ca mắc, lại là biến chủng Ấn Độ thì thời gian tới lây lan sẽ còn mạnh hơn.

Theo ông Phu, chủng biến thể của Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh hơn, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0; lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường; chỉ vài ngày đã có 79 người ở xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính. Vì vậy, việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.

Hai ngày gần đây, số ca mắc mới đạt kỷ lục kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 ở nước ta, cụ thể ngày 10/5 ghi nhận 125 ca. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, số ca bệnh ghi nhận trong những ngày qua đều là các trường hợp F1, đã được khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu từ những ngày trước đó, khả năng lây ra cộng đồng thấp. Do chúng ta truy vết thần tốc, số F1 đông, nhưng năng lực xét nghiệm của địa phương có dịch chưa theo kịp, dẫn đến công bố kết quả xét nghiệm chậm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng của Ấn Độ không chỉ lây lan nhanh hơn, đặc biệt có khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Như vậy, đúng như bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh.

Nếu như ở đợt dịch thứ 3, Việt Nam phải đối mặt với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 của Anh, thì cuộc chiến thứ 4 này, chúng ta phải đối mặt với 2 biến thể, trong đó biến thể của Ấn Độ còn khó khăn, thách thức hơn rất nhiều.

Các địa phương phải tăng cường xét nghiệm chủ động để phát hiện ca bệnh trong cộng đồng.

Truy vết, xét nghiệm thần tốc

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ở cuộc chiến thứ 4, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức dịch phức tạp trên thế giới và trong khu vực, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam khi tình trạng nhập cảnh trái phép còn diễn ra; đối mặt với sự gia tăng ca mắc từ các ổ dịch trong cộng đồng và hai biến biến chủng nguy hiểm. Vậy, chiến lược của Việt Nam ra sao?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đối mặt với 2 biến chủng lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải thần tốc truy vết, thần tốc xét nghiệm. Việt Nam vẫn giữ nguyên chiến lược phát hiện sớm, truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả.

Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta không thay đổi chiến lược phòng chống dịch. So sánh Việt Nam và Ấn Độ thì cũng không đúng vì Ấn Độ giãn cách cả nước khi hệ thống y tế đã vỡ trận, còn chúng ta cứ thêm vài chục ca lại giãn cách thì không thể vì sẽ kéo dài cả năm. Chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết.

Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên và chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…

Đặc biệt tăng cường xét nghiệm sàng lọc ở những nơi, những người có nguy cơ cao, bởi xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý.

Ông Phu cũng phân tích thêm, trong bối cảnh hiện nay không loại trừ có những ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn vì thế việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K, trong đó, việc khai báo y tế rất quan trọng. Bởi khi cần thiết, các cơ quan y tế có thể dựa vào những thông tin này để truy vết và tư vấn phòng, chống dịch cho chúng ta.

Đặc biệt, ông Phu cũng nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp tục đánh giá nguy cơ xem còn phát sinh ổ dịch khác hay không, đây là vấn đề cần quan tâm lúc này. Nếu chúng ta mải chống dịch, tập trung vào ổ dịch này, mà lại xuất hiện ổ dịch khác, chúng ta bỏ lơi thì rất nguy hiểm.

Theo chuyên gia, ngoài các ổ dịch đã có, nguy cơ rất lớn hiện nay là dịch xâm nhập vào các cơ sở y tế. Hiện đã có 10 bệnh viện phải phong tỏa, đóng cửa, nên việc bảo vệ “thành trì chống dịch” trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng.

Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia có công điện số 628/CĐ-BCĐQG yêu cầu giám đốc các bệnh viện trên cả nước cần nghiêm túc, khẩn trương thực hiện giãn cách trong bệnh viện; lập danh sách, phân loại tình trạng người bệnh; xem xét cho ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới. Hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu, bệnh ổn định.

Bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Tại buổi kiểm tra sáng 11/5 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện đã thực hiện công tác giãn cách, theo đó trước đây khám ngoại trú trung bình 4.000 bệnh nhân/ngày nay giảm xuống 1.000-1500 bệnh nhân; điều trị nội trú từ 2.000 bệnh nhân xuống 1.000-1.500.

Hiện 1/3 nhân viên của bệnh viện được làm việc luân phiên để phòng ngừa tình hình dịch bệnh bùng phát bệnh viện vẫn đảm bảo nguồn nhân lực chăm sóc. Các học viên cũng tạm thời dừng việc học trong giai đoạn này.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện giãn cách, hạn chế người chăm bệnh, hạn chế nhận chuyển tuyến những ca bệnh không phải cấp cứu.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ chuyên gia phân tích diễn biến tình hình dịch; tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở những khu vực có nguy cơ, chủ động truy tìm F0. 

Trong tình hình hiện nay, phải chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Muốn tấn công phải phát hiện nhanh, khoanh vùng nhanh… để hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngày 11/5, Việt Nam ghi nhận 71 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, chủ yếu tăng cao ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và các ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Bạch Mai. Đến nay, đã có 278 ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2. Riêng ổ dịch liên quan đến Công ty TNHH SINHYOUNG Việt Nam, ở Khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang đã ghi nhận 60 ca mắc COVID-19. “Nóng” nhất hiện nay là Bắc Ninh, đến trưa 11/5 cũng ghi nhận 140 ca dương tính, trong đó riêng huyện Thuận Thành là 128 ca.
Trần Hằng
.
.
.