Xây dựng kế hoạch học bù phù hợp, không gây quá tải cho học sinh

Chủ Nhật, 16/02/2020, 09:09
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, có khả năng nhiều địa phương sẽ cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2-2020.


Thời gian nghỉ kéo dài chắc chắn sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến chương trình học. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là việc học bù của học sinh sẽ được tổ chức thế nào để vừa đảm bảo chương trình nhưng không gây quá tải. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước vì theo quy định hiện nay, thẩm quyền này thuộc về UBND tỉnh, thành phố. 

Tuy vậy, Bộ GD&ĐT có thể căn cứ vào tình hình thực tiễn diễn biến của dịch bệnh để điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học, có thể từ 1 đến 2, thậm chí là 3 tuần nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại địa phương kéo dài để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.

Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để địa phương, cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học, bố trí việc dạy học bù, bảo đảm yêu cầu kiến thức cho học sinh trước khi học sinh đi học trở lại. 

Riêng về kỳ thi THPT quốc gia, hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại các địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ xác định thời điểm tổ chức kỳ thi phù hợp với thời điểm kết thúc năm học đã được điều chỉnh.

Các nhà trường cần tính toán thời gian học bù hài hòa giữa việc học và nghỉ ngơi của học sinh. Ảnh minh họa.

Liên quan đến kế hoạch học bù, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này và thời gian kéo dài năm học để bố trí dạy học bù. 

Bên cạnh đó, chương trình 35 tuần được thiết kế học 1 buổi/ngày. Đối với các trường có đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thì việc bố trí dạy bù sẽ thuận lợi hơn vì nhà trường có đủ phòng học cho tất cả học sinh học cả ngày. Đối với các trường dạy 1 buổi/ngày, tuỳ điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, có thể bố trí lần lượt cho mỗi lớp học sinh được học bù một số buổi mỗi tuần để bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình học. 

“Quan điểm của chúng tôi là học bù nhưng cũng phải có thời gian hợp lý để học sinh nghỉ ngơi. Địa phương, nhà trường cần tính toán thời gian học bù phù hợp, hài hòa giữa việc học và nghỉ ngơi. Trong thời gian học bù, các em có thể phải học vất vả hơn bình thường nhưng cũng không nên quá sức; vì nếu ép quá cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả việc học. 

Như trường hợp Vĩnh Phúc, học sinh có thể phải nghỉ dài hơn thì địa phương phải nỗ lực hơn; đến thời điểm đi học, học sinh sẽ phải cố gắng hơn so với các địa phương khác để bù lại thời gian đã nghỉ. Trong trường hợp cá biệt, nếu học sinh phải nghỉ quá dài, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án đặc thù theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ xin ý kiến cơ quan cấp trên để giải quyết” -ông Thành nói.

Liên quan đến một số kiến nghị về việc cho học sinh nghỉ dài để phòng tránh dịch và các con sẽ đi học bù trong 3 tháng hè, lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học cho rằng: Thực tế không đơn giản như vậy vì còn thời điểm chuyển cấp với các học sinh cuối cấp, mà việc chuyển cấp thì không thể chuyển sang năm học sau. Do đó, khi điều chỉnh thời gian năm học, Bộ GD&ĐT cũng phải tính chuyện này.

Cụ thể, như thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng phải tính toán lùi hơn các năm học trước tương ứng với việc lùi thời điểm kết thúc năm học, nhưng phải làm sao không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch năm học tiếp theo.

Hùng Quân
.
.
.