Vì sao các cơ sở y tế bị “neo” hơn 80 tỉ đồng tiền bảo hiểm?

Thứ Hai, 14/09/2020, 09:18
Liên quan đến việc một số cơ sở y tế tại TP HCM bị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam từ chối thanh toán hơn 80 tỉ đồng tiền bảo hiểm, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố vừa cho biết vụ việc này xảy ra vào năm 2012-2013.

“Trong số 80 tỉ đồng này, BHXH thành phố đã thu hồi hơn 30 tỉ đồng, hơn 50 tỉ đồng còn lại đang tính toán để xử lý theo đúng quy định”, ông Bỉnh cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, Thông tư 01 của Bộ Y tế về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực thi hành từ 1-6-2012 để thay thế Thông tư 10 năm 2007 về thủ tục mua sắm đấu thầu thuốc. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thành phố triển khai đấu thầu tập trung đầu tiên trong cả nước, hướng tới có một giá thống nhất. Chính vì thế, việc đấu thầu tập trung này có quy mô rất lớn, kéo dài đến 4-2014, với hơn 2.179 loại thuốc, giá trị là 8.417 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Y tế cho biết đảm bảo không thiếu thuốc phục vụ người bệnh.

Năm 2013, các bệnh viện trong khi chờ kết quả đấu thầu, đã phát thầu theo gói thầu cũ của mình (kéo dài từ tháng 4 đến 9-2013). Sau tháng 9-2013, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đấu thầu theo Thông tư 01 và có kết quả thầu. Do đó, Sở Y tế đã xin UBND thành phố để áp thầu Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Sau khi được UBND thành phố phê duyệt chủ trương, danh mục, Hội đồng tư vấn chuyên môn của Sở Y tế đã thống nhất danh mục và mua theo giá trúng thầu năm 2013 của Bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu thuốc nào có giá trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy cao hơn giá trúng thầu của các bệnh viện địa phương khác, Sở sẽ thương thảo với các công ty cung ứng để điều chỉnh giá, các bệnh viện sẽ mua theo giá đã được thương thảo. 

Đối với thuốc không có trong danh mục trúng thầu năm 2013 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sẽ mua theo giá trúng thầu năm 2013 của các bệnh viện địa phương khác để đảm bảo nguyên tắc giá thuốc mua là thấp nhất trên cơ sở thương thảo với các công ty cung ứng.

Như vậy, Sở Y tế đã áp dụng theo hình thức đấu thầu như thế và ký phụ lục gia hạn hợp đồng theo kết quả trúng thầu năm 2012, đảm bảo ngành Y tế không thiếu thuốc phục vụ cho người bệnh, trước áp lực không chỉ khám chữa bệnh cho người dân thành phố mà còn người dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Ông Bỉnh cho biết lượng khám chữa bệnh của thành phố chiếm ¼ cả nước (25%). Sau khi áp dụng hình thức thầu này, trong cả nước và 29 tỉnh, thành cũng mua thuốc như thế. 

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất việc thanh toán tiền thuốc BHYT theo Thông tư 10 của các cơ sở y tế 29 tỉnh, thành trên toàn quốc. BHXH thành phố đã căn cứ vào giá mua thuốc theo Thông tư liên tịch 01 của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế của Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của BHXH Việt Nam để so sánh giá thuốc Thông tư 10-2007, do đó kết năm 2012 có chênh lệch 34,8 tỉ đồng. BHXH thành phố đã thu hồi theo quyết toán năm 2015.

Riêng các loại thuốc không có trong danh mục trúng thầu của các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, BHXH thành phố đã tạm tính 50,8 tỉ đồng. Từ năm 2015 đến nay, giá thuốc trúng thầu trung bình vẫn chưa được Bộ Y tế công bố, nên ngành BHXH vẫn chưa có cơ sở tính toán và thu hồi số tiền chênh lệch này. Phần 50,8 tỉ này chưa đúng với tiêu chí giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2013 theo quy định Thông tư 01. 

Thực hiện mua sắm trực tiếp theo chỉ đạo của UBND TP HCM về cho phép mua thuốc y tế trong khi chờ kết quả trúng thầu tập trung, căn cứ trên kết quả của Bệnh viện Chợ Rẫy để mua thuốc trực tiếp, đồng thời có tham khảo giá trúng thầu năm 2013 của các Bệnh viện các tỉnh, thành, bộ, ngành và phù hợp với các qui định hiện hành, do đó BHXH thành phố vẫn thanh toán theo BHYT theo đúng qui định.

Nguyễn Cảnh
.
.
.