Tuân thủ điều trị, người nhiễm HIV có thể sinh con không bị lây truyền

Thứ Năm, 21/12/2017, 13:35
96% số người nhiễm HIV không lây truyền sang bạn tình nếu tuân thủ đầy đủ việc điều trị bằng ARV, cho dù quan hệ tình dục không dùng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm. 


Điều này được TS. John Blandford -Giám đốc chương trình HIV và lao của CDC Việt Nam cho biết tại cuộc họp về phòng chống HIV/AIDS do Bộ Y tế tổ chức ngày 21-12.
Đây là một thông tin rất đáng mừng trong công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ này. 

TS. John Blandford cho biết: Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế HIV sẽ giúp dự phòng được lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Điều này được chứng minh trên hàng nghìn cặp vợ chồng. 

Như vậy, khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV sang bạn tình không bị bệnh. 

Đây là kết quả nghiên cứu ở gần 2.000 cặp dị nhiễm HIV ở các nước. Không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV khi bạn tình nhiễm HIV của họ có tải lượng HIV bị ức chế liên tục. “Những người sống chung với HIV đang điều trị  ARV có tải lượng virus không phát hiện được trong máu có nguy cơ lây truyền HIV qua tình dục là không đáng kể.” TS. John Blandford nhấn mạnh.

TS. John Blandford cung cấp thông tin mới nhất về việc điều trị HIV

Bà Đỗ Thị Nhàn –Trưởng phòng điều trị-chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS –Bộ Y tế) cho biết về những điểm mới trong việc điều trị HIV/AIDS. Theo đó thuốc điều trị HIV mới có nhiều ưu thế hơn thuốc đang sử dụng: Không có tác dụng phụ gây khó chịu cho người dùng; Không có sự tương tác thuốc điều trị viêm gan C thế hệ mới, điều này rất quan trọng khi tỉ lệ nghiện chích ma túy và viêm gan C ở Việt Nam rất cao, hơn 90%. 

Giá thuốc mới cũng rẻ hơn 25% so với thuốc của phác đồ đang dùng. Bên cạnh đó, việc giảm tải lượng virus nhanh từ 10-14 ngày so với từ 1-3 tháng trước đây. Giá thành điều trị rẻ hơn nên số người được điều trị nhiều hơn. Hạn chế tối đa kháng thuốc. Phương pháp điều trị mới cho phép phát hiện sớm virus trong máu. Tiêu chuẩn điều trị hiện nay rộng hơn khi điều trị cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV, không phụ thuộc vào đối tượng nguy cơ cao như trước.

Ông Nguyễn Hoàng Long

Mô hình cung cấp dịch vụ mới cũng đã được triển khai, theo đó, các cơ sở đã điều trị ARV trong ngày, cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo tình trạng bệnh và cấp thuốc ARV từ 2-3 tháng cho các trường hợp điều trị ARV ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng nhấn mạnh: Trước đây mọi người nghĩ đã mắc HIV là án tử hình, nhưng với phương pháp điều trị mới đã được nghiên cứu giữa những cặp vợ chồng có người nhiễm người không ở nhiều nước đã cho thấy, nếu điều trị tuân thủ ARV, người nhiễm HIV sẽ không làm lây truyền, cũng không ảnh hưởng đến tuổi thọ, họ còn có thể sinh con không bị nhiễm HIV. 

Điều này có ảnh hưởng rất tích cực đến bệnh nhân HIV, giúp họ theo đuổi việc điều trị lâu dài, giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu 90-90-90.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết điều đáng lo ngại hiện nay là chỉ có 60% số người nhiễm HIV được điều trị, còn tới 40% chưa được điều trị, dù thuốc vẫn miễn phí, có cả đội lưu động về tận xã, khám bệnh đưa thuốc tại nhà. Như vậy, họ sợ bị lộ thông tin cá nhân sẽ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, chứ không phải do tài chính. Điều này cho thấy yếu tố xã hội rất quan trọng.

Nhiều vấn đề mới trong điều trị chăm sóc người nhiễm HIV được chia sẻ

Ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Những người bị nhiễm phải tham gia điều trị ngay để đảm bảo quyền lợi của họ, vì có một số người có điều trị nhưng muộn khiến việc điểu trị khó khăn. Khi máu của người nhiễm HIV không có virus HIV thì cộng đồng cũng không thể kỳ thị họ.

Một vấn đề đang được cộng đồng quan tâm là công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam sẽ ra sao khi tới đây, các tổ chức quốc tế sẽ rút khỏi viện trợ thuốc và các dịch vụ về HIV/AIDS.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết về lộ trình cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS qua BHYT: Ngay từ năm 2017, các tổ chức viện trợ thuốc điều trị HIV đã rút dần khỏi việc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, chỉ còn PEPFAR và Quỹ toàn cầu viện trợ thuốc và xét nghiệm tải lượng HIV và CD4. 

Vì thế, BHYT đã phải chi trả các dịch vụ khác như phí khám bệnh, xét nghiệm theo dõi điều trị khác, thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội và bệnh khác cho người nhiễm HIV. Việt Nam đã dần thực hiện cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS qua BHYT để đến 2021, hoàn toàn chủ động trong công tác phòng chống HIV khi các tổ chức quốc tế sẽ không còn viện trợ cả thuốc lẫn các dịch vụ khác trong điều trị HIV/AIDS.


Thanh Hằng
.
.
.