Tử vong do chủ quan không tiêm phòng dại: Những bài học đau xót

Thứ Năm, 11/04/2019, 08:09
Một gia đình chủ quan nghĩ rằng do “thú cưng” nhà nuôi nên cả gia đình bị chó cắn không ai đi tiêm phòng dại, hiện đã có 2 người tử vong, 1 người đang có hiện tượng dại; một nữ bác sĩ thú y chủ quan cho rằng mình có đầy đủ kinh nghiệm, tự chẩn đoán không mắc dại nên không tiêm phòng khi bị chó cắn và đã tử vong sau đó 3 tháng…

Những cái chết vì chủ quan hằng năm đều xảy ra, song vẫn tiếp tục lặp lại, gây thiệt mạng cho hàng chục người mỗi năm. Bài học tiêm phòng dại cho vật nuôi, cho người sau khi bị chó mèo cắn vẫn còn nóng hổi. 

Những cái chết thương tâm do chủ quan

Trong mấy ngày qua đã xảy ra hai vụ chết người vì bị chó cắn vô cùng thương tâm. Đó là một cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó 6 con cắn chết và một gia đình ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có tới 4 người bị chó nhà cắn nhưng không tiêm phòng dại, 2 tháng sau 2 bố con tử vong.

Trước đó, ngày 6-2-2019, cả 4 người trong gia đình anh Bùi Văn Tuấn (xã Trung Sơn) bị chó nhà cắn nhưng không đi tiêm phòng. Do anh Tuấn bị con chó tiếp tục cắn lần hai nên đã giết chết vật nuôi và đem chôn, thay vì nhốt lại để theo dõi. Chính vì không biết chó đã mắc bệnh dại nên cả nhà không xử lý vết thương và không đi tiêm phòng.

Ngày 31-3, anh Tuấn có dấu hiệu khó thở, nấc, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động mạnh, lên cơn co giật… vợ và con gái mới vội vã đi tiêm phòng. Người con trai 7 tuổi do bị sốt nên hoãn tiêm.

Anh Tuấn được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và chẩn đoán phát bệnh dại nặng. Chiều 2-4 anh Tuấn tử vong tại nhà. Đêm 3-4 người con trai cũng qua đời.

Vào tháng 6-2018, BS thú y Phan Thị C (24 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) trong lúc làm việc bị chó ốm cắn vào tay phải, chị đã tự sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Sau 4 ngày con chó chết, nhưng chị vẫn không tiêm phòng vaccine dại vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên. Hơn 1 tháng sau, chị xuất hiện triệu chứng của bệnh dại và đau nhức chỗ bị chó cắn. Được gia đình đưa tới Bệnh viện Bạch Mai, nhưng nữ BS đã tử vong 1 ngày sau đó.

Những cái chết vì bệnh dại liên tiếp xảy ra, vào thời điểm trước cái chết của BS thú y Phan Thị C một tháng, 2 cháu bé ở Hòa Bình bị chó nhà nuôi cắn và nhiễm virus dại, nhưng gia đình không biết và không đưa các cháu đi tiêm phòng. Sau khi nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 1 tuần đã tử vong. Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2018 có 86 người chết vì bệnh dại ở 26 tỉnh, thành, tăng 12 trường hợp so với năm 2017.

Tiêm phòng cho chó phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, tháng 10-2018, ông L.V.T (SN 1968, trú tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu) tử vong sau một thời gian bị chó nhà hàng xóm cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm phòng dại. Gần 10 ngày sau đó, cũng trên địa bàn huyện này, bà V.T.X. (SN 1966) cũng bất ngờ qua đời.Trước đó, bà X. cũng bị một con chó của gia đình trong bản cắn, nhưng không đến cơ sở y tế để thăm khám. Sau khi đi đám tang một người quen trở về, bà X. phát bệnh rồi tử vong.

Trên địa bàn huyện Nghi Lộc, trong năm 2018 có tới 4 nạn nhân không qua khỏi do bị chó cắn. Theo cán bộ y tế của huyện này, cả 4 trường hợp này tử vong đều bị những con chó chưa được tiêm phòng dại cắn và cả 4 bệnh nhân sau khi bị chó cắn đều không tiêm phòng dại. Các trường hợp này sử dụng thuốc nam để chữa trị.

Trước đó, vụ việc thương tâm nhất, xảy ra vào tháng 6-2016, chị H.T.H. (SN 1978), trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên trên đường đi thu mua ve chai về bị con chó thả rông (nghi dại) cắn ở chân. Chị H. tự đi mua thuốc nam về uống, 3 tháng sau thì lên cơn dại rồi tử vong. Tháng 12-2017, nữ sinh H.T.L., học sinh lớp 9 tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong cũng đã tử vong sau một thời gian bị chó nhà cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm phòng dại tại các cơ sở y tế.

Nhiều người chủ quan “chó nhà cắn không sao” nên không đi tiêm phòng, hoặc tìm đến thầy lang để chữa viết thương. Đây là một sai lầm, làm mất đi cơ hội phòng bệnh vì cho đến nay, chưa có cơ sở nào khẳng định điều trị bằng thuốc nam có hiệu quả trong việc phòng, chữa bệnh dại.

BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với các bệnh nhân khi đã lên cơn dại, gần như 100% là tử vong. Vậy nên, người bị chó cắn, tuyệt đối không được chủ quan, nhiều người thấy vết thương liền da thì không đi tiêm phòng. Bởi tùy theo vị trí vết cắn, thời gian phơi nhiễm virus ở mỗi người sẽ khác nhau.

Có người sau khi chó cắn 20-30 ngày lên cơn dại, cũng có người vài tháng, thậm chí cả năm. Vì vậy, cần theo dõi con chó trong vòng 10 ngày, nếu thấy nó ốm hoặc chết phải đi tiêm phòng ngay. Đặc biệt lưu ý, nếu bị cắn vào vùng dây thần kinh (đầu mặt cổ) thì phải đi tiêm phòng ngay để bảo vệ tính mạng.

Phải xử lý nghiêm người nuôi chó không tiêm phòng dại

Chiến dịch tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo được triển khai sâu rộng đến từng tổ dân cư trên cả nước. Người đứng đầu địa phương phường, xã, tổ dân phố có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, xử lý hộ gia đình nuôi chó, mèo chưa tiêm phòng dại. Trách nhiệm của người nuôi là phải cho chó đi tiêm phòng để bảo vệ người xung quanh. Điều này đã được quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, còn rất nhiều gia đình không tuân thủ và việc kiểm tra, xử phạt không được thực thi nghiêm túc nên chủ nuôi “nhờn” luật.

Qua khảo sát của phóng viên ở phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội), nhiều chủ nuôi còn chủ quan và không thực hiện Nghị định của Chính phủ. Tổ trưởng tổ dân phố phải đi “khua” từng nhà nuôi chó, yêu cầu chủ nuôi đưa chó đi tiêm phòng dại. Nếu không sát sao, không trách nhiệm sẽ dễ dàng bỏ “lọt” và đây là nguy cơ gây chết người khi mùa hè đang đến, nguy cơ bùng phát bệnh dại cao.  

Ngay tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), khi gia đình bị chó dại cắn tháng 2 thì tháng 3 địa phương mới có lịch đưa chó đi tiêm phòng. Cả xã còn gần 100 con chó chưa được tiêm phòng, đây là nguy cơ lớn nếu nó được thả rông, không rọ mõm và cắn người.

Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự cho biết: Pháp luật hiện hành có những quy định rất cụ thể dành cho chủ nuôi động vật. Cụ thể, Nghị định 05/2007 về phòng chống bệnh dại đã quy định rất rõ về việc nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường. Phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Hiện nay, mặc dù đã có quy định xử phạt chó thả rông nhưng tình trạng nuôi chó, thả rông chó tại các khu dân cư và nơi công cộng vẫn rất phổ biến.

Nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2017 quy định, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Hồng Phú thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tương tự như vụ đàn chó thả rông tấn công cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên, nếu chó cắn người lây nhiễm virus dại gây thiệt mạng cũng bị xử lý tương tự.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi vì không tiêm phòng bệnh dại cho chó, người nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Trần Hằng – Thiên Thảo
.
.
.