Từ cây cỏ dại đến công trình khoa học chữa bệnh gan

Thứ Năm, 16/11/2017, 10:03
Dự án “Đánh thức tiềm năng dược liệu quý ngàn năm Ưng bất bạc, phát triển thành công sản phẩm bảo vệ gan Heposal” của nhà khoa học Trần Đức Dũng phối hợp với Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI đã vượt qua gần 200 dự án để được vinh danh trong vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest 2017 diễn ra chiều 15-11 tại Hà Nội.


Dự án này bắt nguồn từ 3 công trình nghiên cứu của TS. Trần Đức Dũng về tác dụng của cây Ưng bất bạc trên tế bào gây ung thư gan đã được công bố quốc tế. Với tính ưu việt và sáng tạo, đề tài còn được cấp bằng sáng chế của Ủy ban khoa học Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ. Tác giả còn được vinh danh tại giải thưởng "Nghiên cứu Trung y dược Hứa Hồng Nguyên"- một giải thưởng uy tín tại Đài Loan (Trung Quốc).

TS. Trần Đức Dũng tâm sự: “Điều thôi thúc tôi bắt tay vào nghiên cứu công trình này là những năm gần đây, phải chứng kiến các bệnh về gan mật gia tăng tại Việt Nam, chi phí điều trị tốn kém do phụ thuộc vào nguồn thuốc ngoại nhập. 

Đã có gần 30 triệu người bị gan nhiễm mỡ, gần 8 triệu người bị các bệnh gan mạn tính, đặc biệt ung thư gan là một trong năm loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong các bệnh ung thư.

Nhà khoa học Trần Đức Dũng.

Đau lòng hơn khi có nhiều người đã chấp nhận nằm chờ ngày ra đi vì không có tiền điều trị. Vì thế tôi khao khát tìm ra loại sản phẩm giúp phục hồi sớm các tổn thương gan do bia rượu, nhiễm virus siêu vi B, giúp hạ men gan cao, phục hồi chức năng gan… từ chính nguồn thảo dược của quê nhà. Với chi phí thấp, sản phẩm này sẽ giúp người nghèo được sử dụng, đồng thời giúp người dân phát triển kinh tế từ nguồn cây thuốc này.

Công trình khoa học của TS. Dũng bắt nguồn từ một loài cây cỏ đó là cây Ưng bất bạc. Theo TS. Dũng, người dân quê hương Nghệ An của anh vẫn lưu truyền câu chuyện về một loại cây mà chim chẳng bao giờ đến đậu, bởi lá và thân cây thường rất nhiều gai. Nhưng nó lại chính là một loại thảo dược quý mà đồng bào địa phương thường đào cây lấy rễ về chế biến để uống. 

Cây Ưng bất bạc - dược liệu quý chữa bệnh gan.

Tìm hiểu thêm về cây này, TS. Dũng biết được một điều đặc biệt là đồng bào ở đây thường uống rượu rất nhiều nhưng chẳng mấy ai bị say. Hơn nữa, hầu như họ không bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, gan mật. Hóa ra một trong những bí quyết của họ chính là thường xuyên sử dụng rễ cây Ưng bất bạt.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đức Dũng, công dụng của loài cây này vẫn chỉ dừng ở những câu chuyện truyền miệng chứ chưa được chứng minh bằng một nghiên cứu khoa học. Điều đó càng khiến khát vọng chiết xuất ra một loại thuốc từ cây cỏ càng cháy bỏng trong lòng nhà khoa học trẻ này.

Mang theo ước vọng đó, tháng 3-2003, TS. Trần Đức Dũng sang Đài Loan (Trung Quốc) để tập trung nghiên cứu công trình khoa học. 

Sau gần 10 năm với bao khó khăn, vất vả, nhờ sự giúp đỡ của các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu và công nghệ y sinh học, TS. Dũng anh đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu về tác dụng của Ưng bất bạc trên tế bào gây ung thư gan. 

Trong đó, một đề tài được bình chọn xuất sắc nhất và được xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí khoa học uy tín. Hội đồng khoa học Đại học Y Dược Đài Loan (Trung Quốc) còn bình chọn TS. Trần Đức Dũng là “Nghiên cứu sinh hệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp xuất sắc".

Các chuyên gia đều đánh giá rằng, Dự án này sẽ mở ra nhiều lợi ích khi không chỉ có những sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý để người bệnh nghèo được tiếp cận trước khi xuất khẩu ra các nước, mà còn giúp bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu quý, mang hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho bà con Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thanh Hằng
.
.
.