Trò chuyện với GS.TS. Eric L.Krakauer - chuyên gia giảm đau hàng đầu thế giới

Thứ Năm, 09/06/2016, 16:49
Mỗi ngày, có hàng ngàn bệnh nhân vật vã vì đau đớn và không ít người tử vong do những cơn đau hành hạ. Theo một khảo sát của Bộ Y tế, nhu cầu giảm đau trong điều trị ở các bệnh viện (BV) là khổng lồ, nhưng rất ít bệnh nhân được tiếp cận, do lĩnh vực này còn mới mẻ ở Việt Nam.


Hiện chỉ khoảng 15% bệnh nhân có tiền mới được chăm sóc giảm đau (CSGĐ). Phát triển lĩnh vực này nhằm đảm bảo công bằng cho người bệnh, nên BV Xanh Pôn đã mời GS.TS. Eric L.Krakauer, Giám đốc các chương trình quốc tế Trung tâm CSGĐ của Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) hỗ trợ về CSGĐ. Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông vào ngày 9-6:

GS.TS. Eric L.Krakauer thuyết trình tại BV Xanh Pôn.

+ Là một trong các chuyên gia giảm đau hàng đầu thế giới, ông có thể cho biết tỉ lệ bệnh nhân có nhu cầu giảm đau trong điều trị hiện nay, thưa ông?

GS.TS. Eric: Chưa có thống kê chính xác về nhu cầu CSGĐ, nhưng số người được  tiếp cận với chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) rất ít. Ở các nước kém phát triển có tới 83% người có nhu cầu không tiếp cận được, còn ở những nước phát triển thì khoảng 75% người có nhu cầu được tiếp cận điều trị. 

Tại sao những người giàu lại có khả năng tiếp cận với CSGN dễ dàng, còn người nghèo lại không? Trả lời được câu hỏi mang tính nhân văn này sẽ giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân không phải chịu những cơn đau dày vò khi bị bệnh.

GS.TS. Eric L.Krakauer.

+ Ông sẽ hỗ trợ gì cho BV Xanh Pôn để bệnh nhân ở Hà Nội có cơ hội được tiếp cận điều trị CSGĐ, thưa giáo sư,?

GS.TS. Eric: Ý tưởng của bác sĩ Bùi Văn Giang (Phó Giám đốc BV Xanh Pôn) về xây dựng Trung tâm điều trị giảm đau, đào tạo về chăm sóc và giảm đau cho bệnh nhân của khu vực Hà Nội hoặc khu vực miền Bắc là rất tốt. Số lượng bệnh nhân cần chăm sóc giảm đau rất đông và họ đã triển khai công tác chăm sóc, giảm nhẹ đau cho bệnh nhân tại nhà.

Tôi đã cộng tác với nhiều BV trên thế giới và tôi đến BV Xanh Pôn với trạng thái “mở”, lắng nghe xem bệnh nhân và bác sĩ ở đây cần gì, tôi sẽ giúp theo nhu cầu đó. Tôi hiểu rõ CSGN còn chưa phổ biến ở những nước có thu nhập thấp, tuy nhiên có nhiều biện pháp rất tốt cho các bệnh nhân tại những nước này. 

Hiện nay mới chỉ 10 - 15% dân số ở các nước kém phát triển được điều trị giảm nhẹ bằng morphin- mà theo WHO đây là thuốc độc và dùng để giảm đau mang tính chất hướng thần kinh trung ương. Chỉ những bệnh nhân giàu mới có điều kiện sử dụng morphin và những bệnh nhân nghèo không thể chi phí cho loại thuốc giảm đau này. Trong khi giảm đau là yếu tố tiên quyết trong điều trị cho bệnh nhân.

GS.TS. Eric L.Krakauer cho biết, Đại học Y khoa Harvard sẽ có nhiều hợp tác với BV Xanh Pôn để bệnh nhân nghèo cũng được CSGĐ.

Ngoài morphin còn có những phương pháp giảm đau khác để các bệnh nhân đều được hưởng những kỹ thuật điều trị mới nhất, giảm giá thành và nhiều bệnh nhân nhận được điều trị, đặc biệt là người nghèo. Tôi đến đây không chỉ dạy cho các bác sĩ mà còn học họ, xem họ xử trí với bệnh nhân như thế nào trong điều kiện kinh tế chưa phát triển, bệnh nhân chủ yếu là người nghèo.

+ Việc CSGN ở Việt Nam còn rất mới, theo ông, làm thế nào để bệnh nhân được tiếp cận nhiều hơn với việc giảm đau trong điều trị?

     GS.TS. Eric: WHO đã ban hành chiến lược gồm 6 bước để triển khai mạng lưới CSGN cho từng nước. WHO đã ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau tại Việt Nam, trong đó có morphin. Chúng ta sử dụng morphin để giảm đau nhưng cũng phải giảm tối đa tác dụng phụ của nó. Việc điều trị giảm đau tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, vì rất ít bác sĩ được phép kê morphin cho bệnh nhân.

GS.TS. Eric L.Krakauer mong muốn, bệnh nhân nghèo cũng được chăm sóc giảm đau trong điều trị .

 Tôi đang cùng Bộ Y tế Việt Nam cố gắng phát triển hệ thống bác sĩ ở tuyến quận, xã, phường có thể kê đơn morphin cho bệnh nhân trong điều trị giảm đau. Đánh giá từ 5 địa phương: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang, TP Hồ Chí Minh, tôi thấy khả năng tiếp cận của bệnh nhân với CSGN rất hạn chế. Chính phủ chưa thể triển khai ngay được nhưng Hà Nội có thể có cơ chế đặc thù để phát triển, đáp ứng nhu cầu CSGN rất lớn của người bệnh. 

Chúng ta cũng phải thúc đẩy vai trò của nhân viên y tế cộng đồng, để người dân hiểu được vai trò của CSGN. Nếu tạo được hệ thống CSGN tốt thì sẽ giảm được gánh nặng chi phí y tế cho người dân, cho xã hội cũng như giảm được thời gian nằm điều trị của bệnh nhân và tỉ lệ nhập viện.

TS. Bùi Văn Giang, một trong các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về giảm đau trong điều trị

Phương pháp CSGN là chăm sóc toàn diện người bệnh để người bệnh giảm được nỗi đau về thể chất cũng như sang chấn về tinh thần. Không chỉ người bệnh mà cả người nhà bệnh nhân cũng được chăm sóc để tránh bị sang chấn. Nếu người bệnh được chẩn đoán, điều trị thì sẽ được chăm sóc tốt ở tuyến cơ sở, nếu cần chăm sóc tại BV thì phải gửi bệnh nhân đến đúng địa chỉ để người bệnh đỡ tốn thời gian và việc điều trị hiệu quả hơn.

 Không chỉ ở nước nghèo, ở những nước phát triển thì sự mất công bằng trong CSGN vẫn là điều không thể chấp nhận được và chúng ta phải đấu tranh để bảo đảm tính công bằng trong điều trị.

+ Cám ơn ông!

TS.BS. Bùi Văn Giang, Phó Giám đốc BV Xanh Pôn: BV Xanh Pôn là BV đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật điện quang can thiệp để điều trị giảm đau. Tuy nhiên, các kỹ thuật này chỉ là mảng nhỏ trong CSGN, vì còn nhiều phương pháp khác làm giảm đau đớn cho bệnh nhân, đòi hỏi sự quan tâm của toàn thể xã hội trong việc triển khai thời gian tới. Tức là cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân- người nhà bệnh nhân- cộng đồng với nhân viên y tế từ cấp cơ sở đến BV. Hiện BV Xanh Pôn chưa triển khai CSGN theo hệ thống, mà các bác sĩ nhờ vào chuyên môn của mình để điều trị giảm đau cho bệnh nhân, hoặc thực hiện nhiều biện pháp CSGN, như thái độ nhẹ nhàng với bệnh nhân cũng là 1 khía cạnh trong CSGN. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chờ đợi những biện pháp đào tạo, phát triển dần của toàn bộ hệ thống để BV Xanh Pôn tiếp tục phát triển phương pháp CSGN mạnh mẽ hơn.
Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.