Đối phó với chủng virus “siêu lây nhiễm”:

Triển khai cấp tốc các biện pháp để giữ an toàn bệnh viện

Thứ Hai, 01/02/2021, 07:34
Trước sự bùng phát mạnh mẽ của các ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những biện pháp cấp thiết nhất lúc này là phải giữ được an toàn cho các bệnh viện, không chỉ ở những  tỉnh có ổ dịch mà ở tất cả các địa phương.


Theo Bộ Y tế, những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” B.1.1.7. Chủng này nếu lây nhiễm chéo trong bệnh viện, biến bệnh viện thành ổ dịch thì cực kỳ nguy hiểm.

An toàn bệnh viện đặt lên hàng đầu

Ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai và 3 bệnh viện tại Đà Nẵng khiến các bệnh viện này phải cách ly phong tỏa là bài học sâu sắc. Dịch bùng phát trong cộng đồng lần này có tốc độ lây lan rất nhanh bởi chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” khiến diễn biến của dịch hết sức phức tạp, gây khó khăn cho công tác chống dịch.

Trong cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các địa phương phải đặt cảnh giác cao hơn một mức tại các bệnh viện, phải giữ bằng được an toàn bệnh viện. Bởi nếu dịch xuất hiện trong bệnh viện, với sự biến thể của virus “siêu lây nhiễm” thì tốc độ lây lan rất nhanh. Nếu lây cho bệnh nhân nặng thì gây nguy cơ tử vong cao. Còn nếu lây cho nhân viên y tế thì cực kỳ nguy hiểm, sẽ thiếu bác sĩ điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đo thân nhiệt cho người vào viện.

Hiện nay, nhiều bệnh viện đã siết công tác phòng, chống dịch. Bệnh viện Bạch Mai ngay trong sáng 29/1 đã dừng toàn bộ hoạt động chăm sóc người thân, thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại các khu nội trú của bệnh viện nhằm chống lây nhiễm chéo COVID-19 giữa người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Sau khi tạm dừng, bệnh viện sẽ bố trí nhân viên y tế chăm sóc toàn diện cho người bệnh, người nhà bệnh nhân sẽ không được ở lại trong buồng bệnh.

Đồng thời, bệnh viện cũng cho chuyển tuyến đối với những bệnh nhân nhẹ và cho xuất viện với những bệnh nhân đủ điều kiện. Bệnh viện Bạch Mai cũng đề nghị người bệnh, người nhà người bệnh, khách đến bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế trung thực.

Tại nhiều bệnh viện của Hà Nội đã thiết lập mức cảnh báo cao hơn, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế với tất cả người vào viện. Các bệnh viện tiến hành rà soát những người có địa chỉ tại các ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh đến thăm khám, điều trị trong 14 ngày qua để kịp thời có biện pháp phòng dịch.Ông Ngô Quang Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết, bệnh viện đã nâng mức cảnh báo, hạn chế 1 người bệnh chỉ có 1 người chăm, khuyến cáo người dân không vào viện thăm bệnh nhân.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, chùm ca bệnh mới ở Hải Dương, Quảng Ninh là chùm lây lan trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay. Đây là thách thức lớn cho hệ thống y tế Việt Nam. Để cố gắng khoanh vùng, dập dịch trong 10 ngày như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, bên cạnh công tác dự phòng, công tác khám chữa bệnh cũng phải làm thật tốt.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện cần rà soát lại toàn bộ việc phân luồng, phát hiện, cách ly ca nhiễm, xét nghiệm và tổ chức điều trị. Tất cả phòng khám ngoài công lập cũng cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện ca nghi nhiễm phải báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương để lấy mẫu bệnh phẩm.

Xét nghiệm người bệnh nặng ở khu vực sông Hồng

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác bởi rất có khả năng người từ ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh tới khám, chữa bệnh. Ông Long cũng chỉ đạo, tất cả bệnh nhân từ Quảng Ninh, Hải Dương tới các cơ sở y tế đều phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để không bỏ lọt ca bệnh ở cơ sở y tế như đã từng xảy ra, Bộ Y tế có công điện tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Công điện yêu cầu Giám đốc các bệnh viện phải duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; nghiêm túc triển khai “Thông điệp 5K”, giao thủ trưởng đơn vị thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các cơ sở y tế phải sàng lọc, phân luồng người bệnh ngay khi bước chân vào cổng viện. Bệnh nhân không được vào nhà trung tâm, khu vực phòng khám khi chưa sàng lọc COVID-19. Trường hợp nếu không đủ điều kiện khám sàng lọc, cách ly, không được giữ bệnh nhân mà phải hướng dẫn để người bệnh hiểu, tự giác đến nơi có đủ điều kiện. Đồng thời, đơn vị y tế phối hợp với CDC địa phương để xét nghiệm sớm cho tất cả ca nghi nhiễm.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, các bệnh viện phải đặc biệt chú ý tới việc chống lây nhiễm chéo cho cán bộ, nhân viên y tế. Bộ phận tiếp xúc ban đầu với người bệnh và các bác sĩ trực tiếp điều trị cần được cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng dịch. Ông Khuê nói: “Không vì sợ thiếu vật tư mà không làm quyết liệt từ đầu, để ảnh hưởng đến cán bộ y tế. Không có thầy thuốc sẽ không ai điều trị cho bệnh nhân”.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện ở Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng phải nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất. Cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).

Trần Hằng
.
.
.