Triển khai các giải pháp phòng tránh mang thai ở tuổi vị thành niên

Thứ Sáu, 01/11/2019, 17:30
Mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) dẫn tới nhiều em trong số đó phải phá thai sớm. Phá thai không an toàn là nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát và nhiều tai biến khác. Thế nhưng mang thai ở lứa tuổi này lại đang gia tăng và trở thành vấn đề lo ngại hiện nay.

Những con số giật mình

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15-49 được báo cáo chính thức, trong đó học sinh, sinh viên chiểm tỷ lệ khá lớn. Còn theo Tổng cục Dân số và KHHGĐ, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN/TN còn cao; tình trạng phá thai lặp lại ở lứa tuổi này còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông & Giáo dục, Tổng cục Dân số và KHHGĐ cho biết: “Hiện chưa có điều tra nào về nạo phá thai ở tuổi VTN/TN trên quy mô cả nước để biết con số thực tế, nhưng thông tin chúng tôi nắm được ở các cơ sở y tế là rất đáng quan ngại”.

Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật và phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh.

Báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây cho thấy, thực trạng phá thai to ở VTN chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 10% trong tổng số ca phá thai; các trường hợp phá thai to trên gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên. Còn theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Hồ Chí Minh năm 2017, cứ 100 trường hợp trẻ sinh ra sống lại có 73 trường hợp phá thai, trong đó có 2,4% là VTN...Đây là con số thống kê từ các bệnh viện khu vực nhà nước, còn số liệu từ phòng khám tư, bệnh viện tư thì chưa thống kê được...

Mang thai ở lứa tuổi vị thanh niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo. Đây là cảnh báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA. Theo UNFPA, đáng lưu tâm là các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15-19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn trên thế giới, cứ 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hằng năm, có khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, có tới 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%).

Giải pháp nào để phòng ngừa

Phá thai không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh thứ phát. Không chỉ yêu và quan hệ tình dục sớm, một số em gái còn là nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục, khi gia đình phát hiện thai đã to, lại sợ điều tiếng, phải đưa đến cơ sở y tế tư nhân để phá thai.

Theo ông Đinh Huy Dương, lứa tuổi vị thành niên, sinh viên có thai ngoài ý muốn, chắc chắn nhiều em nghĩ đến phá thai. Các em rất ngại ra cơ sở y tế công mà thường ra cơ sở y tế tư nhân, nhiều nơi điều kiện cung cấp các dịch vụ phá thai không đảm bảo an toàn; kỹ thuật, tay nghề cán bộ y tế kém, dẫn đến tai biến và vô sinh. “Chúng tôi nhận rõ đây là vấn đề hết sức quan ngại, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng dịch vụ phải đến cơ sở y tế công, hoặc những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép cung cấp dịch vụ phá thai. Đồng thời Bộ Y tế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với những cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phá thai không đảm bảo, không được đăng ký” – ông Đinh Huy Dương kiến nghị.  

Một mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở VTN Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kến thức của VTN về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác của các em vẫn còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Ông Đinh Huy Dương còn cho biết thêm, có nhiều VTN/TN nhận thức phòng tránh thai kém, tiếp cận các dịch vụ không đầy đủ, biết nhưng vẫn còn e ngại không ra nơi bán thuốc mua, dẫn tới mang thai ngoài ý muốn. Nhiều em có nhận thức hết sức sai lầm, sau khi quan hệ lại mua thuốc tránh thai khẩn cấp về uống mà lầm tưởng đó là biện pháp kế hoạch hóa gia đình. “Đây là điều rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các em. Đặc biệt, trên thị trường bán rất nhiều loại thuốc phá thai, qua tìm hiểu của chúng tôi, có em sau khi có thai đã mua thuốc phá thai về uống, cực kỳ nguy hiểm khi tai biến xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của cán bộ truyền thông và dân số là phải tuyên truyền cho các bạn trẻ để tự bảo vệ mình”- ông Dương cho biết.

Theo Vụ Truyền thông & Giáo dục, Tổng cục Dân số KHHGĐ, để làm giảm tình trạng mang thai sớm trong lứa tuổi VTN, Nhà nước cần đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái, đồng thời bảo vệ quyền con người cho các em. Việc này sẽ tạo ra vô số các tác động tích cực tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi VTN.

Thực hiện chương trình giáo dục giới tính toán diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho VTN. Cần đảm bảo rằng các dịch vụ này phải được cung cấp tới VTN một cách tế nhị, bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử…

Ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi, đảm bằng rằng các em gái  được học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học. Tạo ra các chương trình có mô hình không gian an toàn cho các em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn, đồng thời đây là nơi thực hiện nội dung các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe trẻ em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trần Hằng
.
.
.