Trẻ bỏng thực quản: Sơ ý “nhỏ”, hậu quả lớn!

Thứ Năm, 08/10/2015, 17:02
Mỗi năm BV Nhi đồng 1, TP HCM tiếp nhận điều trị từ 10 đến 15 ca bỏng thực quản do uống nhầm hóa chất, nuốt phải pin điện tử. Đây thực sự là sơ ý nhỏ nhưng hậu quả lại cực lớn...

Ngày 8/10, khoa Tai mũi họng BV Nhi đồng 1 cho biết, đang điều trị cho bé Phạm Thị Mai L., 4 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp, là một trong khoảng 15 ca trẻ bị bỏng thực quản được tiếp nhận và điều trị tại BV Nhi đồng 1 từ đầu năm tới nay.

Đây cũng là lần thứ 4 (cứ mỗi tháng 1 lần), cháu Mai Lan phải tới tái khám để thực hiện kỹ thuật nong thực quản (tương tự như kỹ thuật đặt stent) để làm rộng đường thực quản do tổn thương bỏng thực quản gây teo, hẹp, và dính thực quản, không ăn uống được.

Cháu Mai Lan được thân nhân đưa tới tái khám tại Nhi đồng 1 ngày 8/10.

Bà Trương Thị Lan - bà nội của bé L. cho biết, cách đây 4 tháng, bé cùng gia đình tới dự một đám giỗ ở quê. Trong lúc mọi người mải phụ giúp chủ nhà làm cơm, thấy khát nước, bé Lan đi vào khu vực nấu bếp, thấy một chai giống chai nước tinh khiết nên mở nắp, uống ực một hơi.

Ngay sau khi uống, thấy bỏng rát ở miệng, bé Lan la khóc. Mọi người chạy tới và phát hiện chai nước trên bàn là chai nước tro Tàu dùng để tẩy trắng dạ dày heo, làm món ăn. Bà Nội cháu Lan vội cho cháu uống một ca nước đồng thời, dùng tay móc họng cho bé ói ra, sau đó đưa cháu nhập viện Đa khoa Đồng Tháp, và tiếp tục được chuyển lên BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh.

BS CK II Đặng Hoàng Sơn phân tích về di chứng nặng nề của trẻ bị bỏng thực quản.

Theo BS CKII Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng của BV Nhi Đồng 1, trẻ bỏng thực quản do nhiều nguyên nhân: Uống nhầm nước tro tàu, nước tẩy rửa vệ sinh, hay có trường hợp trẻ giận cha mẹ, uống a xít.

Tuy nhiên, ở các trường hợp uống a xít tổn thương lâm sàng thấy rõ, gây bỏng dữ dội vùng miệng thì thường được được đưa đi BV ngay, nhưng uống nước hóa chất như tro Tàu, cha mẹ cho rằng, chỉ bị bỏng nhẹ ở miệng, và thường cho con uống một ly nước sạch súc miệng là xong.

Tuy nhiên, nước tro Tàu cũng là loại hóa chất( dung dịch kiềm, tên khoa học : K(OH)- hydroxid kalium postassium), thường dùng làm cho nước bột trong, làm bột bánh dai hơn, hay dùng tẩy thực phẩm.

Và sau từ 24h, tới 48h, tổn thương do chất kiềm gây bỏng thực quản mới “phát tác” dữ dội, và gây bỏng từ miệng tới sâu bên dưới thực quản. Gây viêm, loét, sau đó tiến tới nhiễm trùng, di chứng nặng nhất là gây teo, dính thực quản. Khi cha mẹ phát hiện con vài ngày sau đau họng, không ăn, uống được, ói thường xuyên, …thì khi đó, đã bị dính hay teo thực quản rồi, rất khó khăn. Bé bị bỏng thực quản kh ấy phải nhập viện liên tục để chữa di chứng này bằng cách nong thực quản. Nong không khéo cũng dễ gây tổn thương, thậm chí gây tử vong.

  Cũng theo BS Sơn, nhiều trường hợp tổn thương bỏng sâu quá, không nong được buộc phải phẫu thuật cắt một đoạn ruột già đưa lên, thay thế cho thực quản. Hay phẫu thuật, cắt bỏ một đoạn, nối hai đầu thực quản. Là những cuộc phẫu thuật lớn.

Theo BS Sơn, hàng năm BV tiếp nhận từ 10-15 ca bỏng thực quản do uống nhầm hóa chất và đa số chữa trị tốn kém, BV phải hỗ trợ. Có nhiều ca uống a xít ( do trẻ giận cha mẹ) dù chữa trị di chứng phải nong, đặt stent liên tục mà vẫn không cứu được.

Ngoài ra, còn có trường hợp bỏng thực quản chỉ vì một cục pin đồng hồ cũng do người lớn sơ ý thay pin hỏng xong không bỏ vào thùng rác mà để bừa bãi, trẻ vô tình đưa lên miệng ngậm, và nuốt chửng cục pin. Những trường hợp này gây bỏng thực quản dữ dội. Vì pin điện tử sau khi vào dạ dày, 4 tiếng sau đã có thể làm “tái” niêm mạc dạ dày, niêm mạc thực quản, 6 - 12 tiếng sau đã làm thủng niêm mạc vách ngăn mũi( nếu bé nhét vào mũi). Nếu 24 h mới đưa tới BV, cục pin đã có thể đã “ăn” thành một lỗ ở mũi, còn nếu nằm ở thực quản thì đã gây thủng, dò thực quản hay thủng dạ dày. Từ đầu năm tới nay, BV Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận 2 ca trẻ bỏng thực quản do nuốt phải pin điện tử.

Huyền Nga
.
.
.