Bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam:

Tỉ lệ tử vong chiếm 75%, cao hơn thế giới

Thứ Bảy, 16/05/2015, 07:18
Ngày 14/5, Hội thảo “Thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) ở Việt Nam” do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, BKLN là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 75%, cao hơn tỉ lệ của thế giới. Điều đáng nói là, BKLN không chữa được nhưng có thể phòng được. Song, BKLN hiện chưa được quan tâm đúng mức mà chỉ khi báo động mới được quan tâm. Các bệnh này có chung 4 yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. Có thể được giảm đáng kể với hàng triệu người được cứu sống nếu giảm thiểu những yếu tố nguy cơ và tăng cường hệ thống y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị.

BS. Socorro Escalante, đại diện của WHO cho biết, các BKLN là nạn dịch của tương lai, nhưng lại đang xảy ra tại Việt Nam. Trên toàn cầu, các BKLN chiếm 68% tỷ lệ tử vong và 42% tỷ lệ chết trẻ, trong khi ở Việt Nam, các BKLN đã chiếm tới 75% tỷ lệ tử vong và 71% gánh nặng bệnh tật.

Ngoài ra, các xu hướng BKLN hiện nay, các yếu tố nguy cơ và mối đe dọa dân số già cho thấy các BKLN sẽ tiếp tục trở nên xấu hơn: một nửa nam giới trưởng thành hút thuốc lá, mức tiêu thụ muối trung bình cao gấp 2-3 lần so với mức khuyến nghị; và tới 1/4 nam giới tuổi trưởng thành tiêu thụ chất cồn ở mức báo động. Tăng huyết áp đã tác động lên đến hơn 20% dân số ở tuổi trưởng thành trong khi tỷ lệ bệnh đái tháo đường cũng đã tới 6%, tăng gấp đôi trong 10 năm qua. BKLN gây chết non và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như liệt, mù lòa, suy thận và cắt bỏ chi vv… làm tàn tật trầm trọng.

Tại hội thảo, đại diện các Bệnh viện K, Bạch Mai, Nội tiết T.Ư trình bày về thực trạng BKLN tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị của WHO đối với Việt Nam và đề xuất các giải pháp, cách thức tổ chức triển khai hiệu quả; đưa BKLN vào chăm sóc sức khỏe ban đầu…

Theo các đại biểu, mặc dù rất nguy hiểm nhưng BKLN có thể phòng, chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, lạm dụng rượu, bia. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ này sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% các bệnh ung thư…

Theo GS.TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K thì việc nghiên cứu gần 52.000 bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại 5 bệnh viện như Bệnh viện K, U bướu Hà Nội, Bạch Mai, Việt Tiệp Hải Phòng và Bệnh viện T.Ư Huế cho thấy có trên 19.000 trường hợp có phân loại giai đoạn bệnh, chiếm tỷ lệ 37,3% và gần 13.800 ca đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3) chiếm 71,4%.

Cũng qua điều tra tại cộng đồng cho thấy, tỷ lệ người dân có hiểu biết cơ bản đúng về bệnh ung thư chỉ đạt 35% và 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn cũng như nhau. 35,8% số người được hỏi cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết…

Các đại biểu đã bàn về Chiến lược quốc gia phòng, chống các BKLN và đề ra mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Dạ Miên
.
.
.