Thuốc nội đáp ứng 50% nhu cầu trong nước

Thứ Sáu, 12/05/2017, 21:54
Với việc thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” hiện thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân. Con số này được Bộ Y tế cho biết tại hội nghị tổng kết giai đoạn một đề án trên tổ chức tại Hà Nội ngày 12-5.


 

Mục tiêu của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, để thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, tiến tới xuất khẩu. 

Sau 4 năm thực hiện, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh tăng từ 33,9% lên 35,4%; ở tuyến huyện tăng từ 61,5% và 69,4%. Nhiều địa phương có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với 520/953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Thuốc nội đã cung cấp 10/12 loại vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.  

Các nhà máy dược phẩm đã đầu tư thiết bị máy móc hiện đại; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao, thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vaccine, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. 

Đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của WHO, một số nhà máy đạt tiêu chuẩn của EU, Nhật Bản, PICS… Chất lượng và mẫu mã thuốc nội không thua kém thuốc ngoại nhập trong khi giá thành rẻ hơn nhiều.

Việt Nam đã sản xuất được 10/12 loại vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường vẫn còn có nhiều khó khăn trong tiêu thụ thuốc nội tại thị trường trong nước. Trở lại lớn nhất là quyết định kê đơn của bác sĩ cũng như tâm lý sính ngoại của người bệnh, trong khi  các cơ quan truyền thông chưa vào cuộc tích cực cho công tác này. 

Vì thế, bước sang giai đoạn hai của đề án, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đến bác sĩ để tăng cường kê đơn thuốc nội. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đầu tư cải tiến chất lượng và mẫu mã. Công tác thanh kiểm tra được đẩy mạnh để xử lý nghiêm sai phạm trong sản xuất và cung ứng thuốc không bảo đảm chất lượng.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc nội chiếm 30% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

 


Thanh Hằng
.
.
.