Thông tin tăng giá viện phí đồng loạt từ 1-6 là không đúng

Thứ Bảy, 29/04/2017, 21:34
"Việc tăng giá viện phí từ 1-6 là nằm trong lộ trình thực hiện mức giá viện phí tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương. Do đó, không phải là tăng giá tất cả các dịch vụ y tế như nhiều người hiểu nhầm, mà mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí chứ chưa tính đúng tính đủ và cũng chỉ tăng giá ở một số tỉnh. Việc điều chỉnh giá viện phí chưa thực hiện ở những tỉnh còn khó khăn về kinh tế. "


Đây là thông tin TS. Hà Văn Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định với PV Báo CAND vào chiều 29-4, trước thông tin từ ngày 1-6-2017, giá viện phí của những người không có thẻ BHYT sẽ tăng cao đồng loạt khiến nhiều người đang hết sức lo ngại.

Theo Nghị định 16 của Chính phủ, đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương và như vậy, lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ. Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện mức giá viện phí có tiền lương đối với người có thẻ BHYT tại 27 tỉnh, thành phố.

Tháng 3-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở y tế. Việc này là nằm trong kế hoạch. 

Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền.

Thông tư 02 quy định 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, có hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị có mức tăng giá gấp 2- 4 lần so với hiện tại: tiền khám bệnh tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Bên cạnh đó, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.

Do đó, những người không có thẻ BHYT sẽ chịu ảnh hưởng vì phải chi trả 100% chi phí KCB, trong khi người có thẻ BHYT được Quỹ BHYT chi trả 80% đến 100% tùy theo đối tượng.

Tăng giá viện phí theo lộ trình và không ảnh hưởng đến người nghèo, đối tượng chính sách  

Điều được đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước mua thẻ BHYT (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo vv…) được BHXH thanh toán chi phí KCB

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, dù Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017, nhưng không phải tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức viện phí tối đa, mà Bộ Y tế quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; UBND tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

TS. Hà Văn Thúy nhấn mạnh rằng, Bộ Y tế thực hiện điều chỉnh giá viện phí theo lộ trình một cách thận trọng, chặt chẽ và mềm dẻo, nhằm bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữa các ngành, không để xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

 Vì thế Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện vào một trong các tháng cuối năm gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI của Chính phủ.

Với việc dần tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá viện phí, người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc có thẻ BHYT để tham gia BHYT, vừa ích nước vừa lợi nhà. Bởi mặc dù Luật BHYT quy định người dân tham gia BHYT là bắt buộc, song hiện vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, dù nhiều người đã được nhà nước hỗ trợ từ 30-70% mức đóng BHYT.


Thanh Hằng
.
.
.