Thông tin mới nhất về tình hình thiếu vắc-xin Quinvaxem tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 11/09/2018, 16:10

Ngày 11-9, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh phát đi thông tin về tình hình thiếu vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib) trên địa bàn. Thông tin này được người dân, dư luận đặc biệt quan tâm.


Theo đó, đơn vị này cho biết Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế,  cho biết việc tập đoàn vắc-xin Jassen tại Hàn Quốc (nhà sản xuất vắc-xin Quinvaxem, Berna Biotech) đã có thư thông báo ngừng sản xuất vắc-xin Quinvaxem từ năm 2016 và ngừng cung ứng vắc-xin Quinvaxem trên toàn cầu từ năm 2018. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc-xin Quinvaxem sang một loại vắc-xin 5 trong 1 khác tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc-xin Quinvaxem (đó là vắc-xin ComBE Five do Công ty Biological E (Ấn Độ) sản xuất).

Sau khi lựa chọn vắc-xin này, Bộ Y tế đã tiến hành các thủ tục mua sắm, nhập khẩu tuân thủ các quy định hiện hành và theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết việc sử dụng loại vắc-xin này thay thế Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, bước đầu dự kiến triển khai tại 7 tỉnh, thành trước khi triển khai trên quy mô toàn quốc. Để bảo đảm vắc-xin an toàn, chất lượng, hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vắc-xin đều phải tuân thủ việc kiểm định nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Ngay sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu của lô vắc-xin mới này (vào ngày 10-9 vừa qua), Bộ Y tế đã chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm theo quy định để sớm đưa vắc-xin ComBE Five vào trong chương trình tiêm chủng để tiêm phòng cho trẻ. 

Phụ huynh cần quan tâm để đảm bảo trẻ không bị mất mũi tiêm chủng phòng bệnh quan trọng.

Trong thời gian chờ có vắc-xin mới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo dự án tiêm chủng mở rộng và các địa phương tiến hành rà soát, cân đối, điều phối sử dụng vắc-xin hiện có trong toàn hệ thống để bảo đảm sự thiếu hụt vắc-xin đến mức thấp nhất. 

Đồng thời, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng chủ động lập kế hoạch, rà soát và tiến hành tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vắc-xin ComBE Five khi lô vắc-xin này hoàn thành các thủ tục mua sắm để chuyển đổi, thay thế vắc-xin Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. 

Lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, với nỗ lực điều phối giữa các tuyến của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, số vắc-xin Quinvaxem tại TP Hồ Chí Minh chỉ đủ sử dụng trong tháng 8-2018. Vì vậy, trong tháng 9-2018, dự kiến hầu hết các trạm y tế và bệnh viện/trung tâm có tiêm chủng mở rộng sẽ không có vắc-xin Quinvaxem để sử dụng.

Và thực tế tại nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vắc-xin Quinvaxem sử dụng cho trẻ em trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được dán thông báo hết. 

Tại nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện thiếu vắc-xin Quinvaxem. (hình minh họa)

Để kịp thời giải tỏa những lo lắng của phụ huynh trước tình hình trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã có văn bản chính thức gửi đến 24 trung tâm Y tế quận huyện và 14 bệnh viện/trung tâm có tiêm chủng mở rộng nhằm thông tin về tình hình thiếu vắc-xin Quinvaxem, đồng thời hướng dẫn các đơn vị triển khai các giải pháp chuyên môn cũng như các hoạt động tư vấn, truyền thông cho người dân.

Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, đối với các phụ huynh có trẻ 2-3-4 tháng tuổi cần thực hiện theo các hướng dẫn sau:

1. Vẫn đưa trẻ ra trạm y tế trên địa bàn cư trú để trẻ được uống vắc-xin ngừa bệnh bại liệt.

2. Tuân thủ theo lịch hẹn tiêm chủng lần sau của trạm y tế.

3. Khi cho trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên hệ (đặc biệt là địa chỉ hiện ở, số điện thoại), nhằm giúp trạm y tế có thể thông báo cho phụ huynh về lịch tiêm bù vắc-xin ngay khi trạm y tế nhận được vắc-xin 5 trong 1 trở lại, để đảm bảo trẻ không bị mất mũi tiêm chủng phòng bệnh quan trọng.

4. Đồng thời để có thể bảo vệ trẻ không bị lây bệnh, phụ huynh cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay bằng nước và xà bông trước khi chăm sóc, tiếp xúc trẻ; không để trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc có các triệu chứng bệnh hô hấp, sốt chưa rõ nguyên nhân.

5. Nếu phụ huynh có điều kiện thì có thể cho trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thay thế vắc-xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố mong muốn các bậc phụ huynh cùng phối hợp với ngành Y tế theo các hướng dẫn trên với mục tiêu phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.                       


Phú Lữ
.
.
.