Thời tiết trở lạnh, nhiều loại bệnh hoành hành ở trẻ

Thứ Năm, 03/11/2016, 17:51
Miền Bắc mới “trở trời” có mấy hôm, số trẻ nhập viện đã có xu hướng tăng. Các bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ thời điểm này là cúm, ho gà, tay chân miệng, sởi, trong đó cúm mùa tăng nhiều nhất.

Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày vẫn tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ đến khám và điều trị. Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 -200 bệnh nhi đến đây khám, trong đó quá nửa số trẻ mắc bệnh hô hấp. Từ tối đến đêm, mỗi ngày Khoa cũng tiếp nhận trung bình từ 50-100 cháu đến khám, đa phần trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.

BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho hay, thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường trong ngày khiến nhiều bệnh do virus gây ra có cơ hội tấn công trẻ nhỏ như: cúm, ho gà, tay chân miệng, sởi, viêm phổi, viêm phế quản… 

Các bác sĩ Khoa cấp cứu và Khoa phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn về bệnh tình của cháu bé  nhập viện tối 2-11

Theo BS. Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết các bệnh nhi vào đây những ngày qua là do bệnh hô hấp, đặc biệt là những bé vốn có các bệnh mãn tính, thể trạng yếu. Mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), cũng đã phải tiếp nhận từ 10-15 ca nhập viện điều trị. Các ca phải nhập viện chủ yếu là bệnh đã chuyển nặng.

Hiện cũng đang là lúc bệnh tay chân miệng ở trẻ phát triển. Trung bình mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm cũng tiếp nhận khoảng 5-6 ca tay chân miệng và số lượng tương đương các bé mắc cúm. Tuy nhiên, Bệnh viện chỉ cho nhập viện những trẻ có dấu hiệu cảnh báo bị nặng, còn lại hướng dẫn cho phụ huynh về theo dõi, chăm sóc các cháu. 

Hiện nay, bệnh cúm và tay chân miệng đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, nên các phụ huynh chú ý dùng thuốc giảm ho, vệ sinh răng miệng cho trẻ. Năm nay, do đã có các biện pháp ứng phó với bệnh sởi nên số ca đến khám và điều trị không nhiều. Mới chỉ có một cháu mắc sởi phải nhập viện.

BS. Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, một số bệnh như cúm mùa, tay chân miệng…có thể điều trị tại nhà cho trẻ nếu cha mẹ được hướng dẫn và chăm sóc đúng. Thực tế, có tới 70% ca bệnh tay chân miệng có thể điều trị khỏi tại nhà. Như vậy, vừa giảm tải cho bệnh viện, vừa tránh được lây chéo trong bệnh viện cho trẻ. 

Những ngày qua, các bé bị tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện đã cho thấy, các bậc cha mẹ đã có kiến thức về căn bệnh này nên chăm sóc bước đầu cho trẻ đúng cách, nên trẻ không bị nặng, tránh được biến chứng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý bệnh cúm dễ lây từ gia cầm và virus cúm có khả năng biến đổi gen rất nhiều.

Em bé được chuyển từ tỉnh lên BV Nhi Trung ương vì bệnh nặng

 PGS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, nếu trẻ chỉ ho, sốt thông thường thì không cần đưa trẻ đi khám. Lúc này, cha mẹ chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng (như sốt dùng thuốc hạ sốt) và làm sạch mũi bằng thuốc nhỏ mũi hoặc nước muối sinh lý. 

Ngoài ra, cha mẹ nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh và hoa quả. Tuy nhiên, đối với những trẻ mắc hen phế quản, tim bẩm sinh hoặc đang chữa ung thư…nếu mắc thêm bệnh cúm, tay chân miệng… thì nguy cơ bệnh nặng rất cao, nên khi trẻ có biểu hiện như: sốt cao, mệt, chán chơi thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.

Ngày 3-11, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có thông báo chính thức về việc thay đổi công tác thường trực tại Khoa Khám bệnh và Cấp cứu – Chống độc, nhằm tạo điều kiện thuận tiện hơn cho bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh ngoài giờ. 

Theo đó, bệnh nhân cấp cứu và chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới đến Bệnh viện Nhi Trung ương được tiếp đón tại Khoa Cấp cứu – Chống độc tại địa chỉ mới ở tầng 1, tòa nhà 15 tầng, cổng số 2 của Bệnh viện ở ngõ 80 Chùa Láng, Hà Nội, không phải ở cổng trên đường La Thành.

 Các bác sĩ sẽ tiến hành khám bệnh 24/24 giờ hàng ngày tại Khoa Khám bệnh. Đây là giải pháp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể liên hệ đường dây nóng của Khoa Khám bệnh theo số điện thoại 0916581956. 

Thanh Hằng
.
.
.