Thấy chuột chết bất thường, cần báo ngay cho cơ quan y tế

Thứ Năm, 04/12/2014, 14:16
Báo CAND đã có bài “Chủ động ứng phó với nguồn lây bệnh dịch hạch vào Việt Nam”. Để giúp người dân có những hiểu biết cần thiết về căn bệnh này, nhằm phòng tránh hữu hiệu, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:
- Thưa ông, vì sao nước ta đưa ra cảnh báo về bệnh dịch hạch vào thời điểm hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây là dịch bệnh tối nguy hiểm, nên là bệnh thuộc diện kiểm dịch và khai báo quốc tế theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thế giới từng có 3 đại dịch với hàng trăm triệu người chết. Việt Nam đã nhiều lần xảy ra dịch hạch, năm gần nhất là năm 1998, ở cả miền Bắc, Nam. Các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2002 vẫn có bệnh nhân và xét nghiệm vẫn có dịch hạch trên chuột, bọ chét. Hiện nay, chúng ta phải quan tâm vì dịch quay trở lại, Việt Nam là nước có nguy cơ lớn, khi vốn là nơi từng có dịch, nên có mầm bệnh là có thể bùng phát. Hơn nữa, dịch đã có ở các nước nên có thể vào Việt Nam thông qua đường biển, tàu xe, mà nước ta lại sẵn có chuột và bọ chét nên dễ lây lan. Giám sát của ngành Y tế Hải Phòng mới đây cho thấy, mỗi con chuột có tới 1,6 con bọ chét, tức là lúc nào cũng có mầm bệnh, chỉ cần có vi khuẩn dịch hạch là có thể lan truyền và bùng phát. Do đó, chúng ta phải có các biện pháp phòng, hơn là chống.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

- Ông có thể nói rõ về cơ chế lây truyền bệnh dịch hạch để người dân biết và phòng tránh?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh dịch hạch lan truyền theo nhiều con đường, trong đó, lây truyền qua bọ chét là phổ biến nhất. Dịch hạch gây bệnh làm chuột chết, bọ chét mang vi khuẩn dịch hạch sẽ rời chuột, nhảy lên người, truyền bệnh cho người hoặc cho con chuột khác, làm lan tràn dịch hạch. Vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da, hoặc hít trong không khí khi tiếp xúc trực tiếp với con vật bị bệnh, hoặc chết vì dịch hạch, nhất là dịch hạch thể phổi. Những bệnh nhân dịch hạch thể phổi có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Đây là sự lây truyền cực kỳ nguy hiểm vì xảy ra rất nhanh cho người tiếp xúc.

- Triệu chứng nhận biết người mắc bệnh dịch hạch là gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Người mắc bệnh dịch hạch có triệu chứng đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao 390C-400C, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Phổ biến nhất là dịch hạch thể hạch (chiếm hơn 90%), thời gian ủ bệnh trung bình 6 ngày và không có triệu chứng gì, sau đó bệnh biểu hiện đột ngột với hai nhóm dấu hiệu đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và viêm hạch, sốt cao 39-400C. Đau hạch là đặc điểm nổi bật, phổ biến nhất là vùng đùi bẹn, tiếp đến là hạch nách, hạch cổ, hạch dưới hàm. Thể hạch thường xảy ra ở trẻ dưới 14 tuổi. Dịch hạch thể phổi nguy hiểm nhất vì tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao, thường xảy ra ở người trên 15 tuổi. Thể phổi thứ phát rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành dẫn đến dịch hạch thể phổi bùng nổ thành dịch lớn.

- Chuột chết cũng là nguy cơ gây bệnh, vì vậy, cảnh báo thế nào để người dân, nhất là các vùng nông thôn, vùng từng có dịch tự bảo vệ?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi thấy chuột chết nhiều, phải báo cáo ngay với cơ quan y tế và thú y, để ngành Y tế cử cán bộ đến giám sát, làm xét nghiệm xem có phải chuột chết do dịch hạch không. Người dân không nên hoang mang khi thấy chuột chết, vì có thể do ai đó đánh bả, hoặc chuột chết vì bệnh. Chỉ khi có kết luận của ngành Y tế mới khẳng định chuột chết có phải do dịch hạch không.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.