Té xuống hầm xử lý nước thải, hai người tử vong, một nguy kịch

Thứ Sáu, 19/06/2020, 18:26

Hai nạn nhân tử vong tại hiện trường, nạn nhân còn lại được đưa đi cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp nặng, ngưng tim trên đường đi hiện đang được các bác sĩ khoa hồi sức tích cực-khu D Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy chăm sóc điều trị tích cực.

Ngày 19-6, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực-khu D - (BV) Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đã thông tin về ba trường hợp bị ngộ độc khí thải trong một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. 

Bác sĩ-Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tú, Khoa Hồi sức tích cực - Khu D – Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoảng 12 giờ 10 phút ngày 16-6, BV tiếp nhận anh B.M.T (30 tuổi) trong tình trạng suy hô hấp cấp nặng, hôn mê, nội soi thấy chảy máu đường thở nhiều. 

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được đặt nội khí quản giúp thở. Phổi bệnh nhân có tình trạng tổn thương lan tỏa hai bên, có tình trạng suy đa cơ quan, chức năng gan và thận. Bệnh nhân hiện đã tỉnh, nhưng vẫn còn phải thở máy và được tích cực theo dõi. Tuy nhiên, di chứng của vụ tai nạn với nạn nhân thì chưa nói trước được điều gì.

Bệnh nhân B.M.T đang được điều trị tại khoa hồi sức tích cực Khu D-  Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khai thác thông tin, các bác sĩ được biết trong lúc đang làm việc tại nhà máy sản xuất nước tương thì một công nhân bị té xuống hồ xử lý nước thải, hai công nhân đứng gần đó xuống ứng cứu thì tiếp tục gặp nạn và đều hôn mê. (anh T. là 1 trong 2 người xuống ứng cứu).  Sau đó Anh T. được sơ cấp cứu tại chỗ, và được chuyển lên BV Chợ Rẫy. Hai người kia đã tử vong.

Do chưa tìm hiểu được hết vụ tại nạn, nhưng qua thông tin người nhà, theo các bác sĩ, những diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân, nghĩ nhiều đến khả năng bệnh nhân bị tổn thương, có thể bỏng đường hô hấp do chất xút (NaOH) gây ăn mòn. Bệnh nhân sẽ còn được theo dõi biến chứng ăn mòn của xút. Quá trình này phải sau khoảng 7 ngày được theo dõi mới chẩn đoán được.

Theo ThS-BS Doãn Uyên Vy, chuyên khoa Bệnh nhiễm độc- ngộ độc của BV Chợ Rẫy, xút NaOH là dạng chất kiềm, khi nạn nhân uống hoặc hít phải ( hít sặc) sẽ gây tổn thương đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Thường gây tử vong nhanh do dị ứng rất mạnh của loại xút này gây ra trên cơ thể nếu không được sơ cấp cứu đúng cách và điều trị kịp thời.

BV Chợ Rẫy cũng đã từng tiếp nhận một lúc 3 người bị ngất do chủ nhà chỉ đổ chất xử lý hầm cầu xuống hố ga, trong loại hoá chất đổ xuống có thành phần chất xút nhiều. Có lẽ bên dưới hố ga có xác động vật có thể là chuột chết đang bị phân huỷ, gặp chất xút tạo nên một phản ứng hoá học, gây nên một luồng khí thải như khí a mô ni ắc ( mùi trứng thối) . Loại khí này bốc lên từ các hố ga, cống thoát nước trong nhà, lúc này, trong nhà đang có 3 người cùng hít phải và ngất xỉu phải nhập viện.

Cũng theo BS Vy, không hiếm trường hợp tử vong hoặc nguy kịch do ngộ độc H2S khi vào hầm ủ cá, hầm xử lý chất thải mà BV từng tiếp nhận. Trong khi người lao động làm công tác vệ sinh tại các buống chứa nước mắm... thường do không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết.

H.Nga
.
.
.