Tăng cường tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trong trường học

Thứ Tư, 05/09/2018, 08:45
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có khoảng 46.000 người bị sốt xuất huyết, với 9 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Bình Định, Trà Vinh và TP Hồ Chí Minh..

Theo Cục Y tế dự phòng, riêng trong những ngày cuối tháng 8-2018, cả nước đã có hơn 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 14% so với tuần trước đó. Đã có hơn 2.100 người phải nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng. 

Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Bắc thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, vì thế, hiện đang có nguy cơ bùng phát bệnh rất cao, nhất là khi hiện đang mưa kéo dài gây ẩm thấp.

Phun thuốc diệt muỗi là một biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hữu hiệu.

Thực tế, số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã gia tăng. Trong tháng 7-2018, mỗi tuần Hà Nội phát hiện 15 - 20 ca sốt xuất huyết, nhưng hiện nay, số ca mắc đã tăng lên tới 50 - 60 ca/tuần. Số người mắc sốt xuất huyết chủ yếu ở 17 quận huyện, 41 xã phường và vẫn tập trung nhiều ở các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa vv…

Bên cạnh sốt xuất huyết, dịch tay-chân-miệng cũng đang gia tăng. Riêng ở Hà Nội đã có hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng, còn tại TP. Hồ Chí Minh, cũng có khoảng gần 1.000 trẻ mắc bệnh này. 

Đáng lo ngại khi việc chủ quan có thể dẫn đến biến chứng viêm não ảnh hưởng đến tính mạng trẻ, thậm chí gây tử vong như đã từng xảy ra.  

Trước nguy cơ nhiều loại dịch bệnh có thể bùng phát do cả yếu tố khách quan lẫn sự chủ quan của người dân, Bộ Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè –thu. 

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, ngành, phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn hiệu quả việc bùng phát dịch bệnh trong mùa hè-thu trên địa bàn; các Sở Y tế phải phối hợp với các Sở GD-ĐT để tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt là ở các nhà trẻ, mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa khác.

Huy động học sinh tham gia vệ sinh môi trường ở trường học và gia đình; phát hiện sớm các trường hộp mắc bệnh tại các trường học và thông báo chó cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm những người mắc bệnh, tiến hành cách ly, xử lý triệt để các ổ dịch nhằm không để bùng phát dịch trong cộng đồng; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết… 

Thanh Hằng
.
.
.