Số người mắc ung thư ở quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng nhiều nhất

Chủ Nhật, 20/11/2016, 16:15
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư tại 14 quận huyện của Hà Nội cho thấy kết quả đáng giật mình: Tổng số ca mắc ung thư là 20.351, trong đó nam giới là 11.136 ca (chiếm 54,7%) và nữ giới là 9.215 ca (45,3%). Tỷ lệ mắc ung thư cao nhất là thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, thấp nhất tại quận Long Biên. Ung thư phế quản phổi là loại ung thư hay gặp nhất, tiếp theo là ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Kỹ thuật cao trong y tế chưa xứng tầm

Vấn đề cốt lõi để điều trị ung thư là phát hiện ra bệnh ở giai đoạn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các bệnh ung thư thường chỉ phát hiện khi đã muộn, nên kết quả điều trị còn hạn chế.

Hà Nội có 650 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trực thuộc, nhưng ở tuyến dưới trình độ chuyên môn còn thấp, lại không đồng đều. Nhìn chung, việc đầu tư để tạo bước đột phá của một số chuyên khoa của các bệnh viện (BV) đầu ngành tại Hà Nội vẫn còn mờ nhạt. 

Các chuyên gia đầu ngành tiêu hóa của thế giới sẽ hoạt động chuyên môn tại

Trung tâm Kỹ thuật cao Hà Nội 

Việc ứng dụng những kỹ thuật y khoa hiện đại, nâng cao chất lượng KCB đang là thách thức lớn đối với các BV tuyến cơ sở, dẫn đến việc người dân "vượt tuyến" là chuyện khó tránh. Tình trạng quá tải diễn ra ở nhiều BV. Việc làm chủ các kỹ thuật cao trong y học tại các cơ cở y tế Thủ đô còn nhiều hạn chế, do thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực.

Gần đây, một số ứng dụng kỹ thuật cao trong y học đã được đưa vào ứng dụng trong các cơ sở y tế, nhưng phần lớn người bệnh mới chỉ được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản. Chi phí cho việc sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao vẫn còn quá cao so với mức thu nhập của người dân. Những người có mức sống trung bình khi đi KCB vẫn chủ yếu trông chờ vào chính sách bảo hiểm y tế (BHYT).

 Trong khi đó, BHYT chỉ chi trả không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Khi KCB không đúng tuyến chuyên môn, quỹ BHYT chỉ thanh toán 70% chi phí đối với trường hợp KCB tại tuyến huyện, 60% chi phí tại tuyến tỉnh và 40% chi phí tại tuyến trung ương.

Các chuyên gia của thế giới đến Hà Nội chuyển giao kỹ thuật cho bác sỹ BVĐK Xanh Pôn

Nếu KCB trái tuyến mà sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí đối với tuyến huyện, 40% đối với tuyến tỉnh và 30% tại tuyến trung ương. Với những người được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, thẻ BHYT hay thẻ KCB miễn phí chỉ có giá trị trong phạm vi địa phương họ ở, khi chuyển lên các cơ sở ngoại tỉnh hay tuyến trên đều không được ưu đãi. 

Nhu cầu KCB của người nghèo rất lớn, nhưng hầu hết họ không tiếp cận được với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao ở nhiều BV của Hà Nội còn hạn chế, cũng như thiếu các cơ sở KCB tiêu chuẩn quốc tế, đã dẫn đến hàng năm, tỷ lệ người dân ra nước ngoài điều trị rất cao. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, “chảy máu” ngoại tệ khoảng 2 tỉ USD.

Làm thế nào để người dân nghèo được tiếp cận những kỹ thuật cao và được chăm sóc, điều trị với những phương pháp hiện đại nhất, chi phí phù hợp với mức sống là câu hỏi mà ngành y tế Hà Nội luôn trăn trở tìm câu trả lời. Các chuyên gia y tế đều cho rằng, mô hình bệnh tật thay đổi đòi hỏi công tác KCB phải phát triển theo hướng kỹ thuật cao.

Giải pháp “ứng phó” với ung thư

Trước tình trạng Việt Nam hiện là một trong những nước có số người bị bệnh tiêu hóa cao nhất thế giới, đặc biệt số người mắc ung thư ở Hà Nội ngày càng nhiều, quá tải BV phổ biến, Hà Nội đã có một trong những biện pháp thiết thực là xây dựng một Trung tâm Kỹ thuật cao và Phẫu thuật tiêu hóa đặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn, nhằm phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư và giảm tải BV.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng vừa thống nhất về cơ chế hoạt động của Trung tâm này, để từ 27-11, khi Trung tâm này đi vào hoạt động, người dân Hà Nội sẽ chính thức được hưởng dịch vụ KCB cao cấp theo tiêu chuẩn châu Âu ngay tại Thủ đô.

Các chuyên gia thế giới đã đến Hà Nội thực hành chuyên môn

Theo Ths. Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BVĐK Xanh Pôn, Trung tâm này sẽ là một cơ sở y tế hàng đầu trong lĩnh vực điều trị tiêu hóa tại Hà Nội, trong đó, các bác sĩ sẽ việc tập trung vào công tác tầm soát phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả về bệnh lý tiêu hóa. 

Đặc biệt, với sự giúp đỡ của GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc phụ trách BV Việt Đức, nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiêu hóa do giáo sư Joel Leroy dẫn đầu, sẽ trực tiếp tư vấn và hoạt động chuyên môn tại Trung tâm với các công nghệ y học tiên tiến nhất và nhiều kỹ thuật chỉ tiếng Trung tâm này thực hiện được.

Được biết, Trung tâm này bước đầu được đầu tư  khoảng 300 tỷ đồng, từ nhiều nguồn vốn, trong đó, có nguồn xã hội hóa do đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp kêu gọi. Vì thế, cùng với đội ngũ bác sĩ giỏi, Trung tâm này sẽ được lắp đặt các trang thiết y tế hiện đại nhất, trong đó, nhiều máy móc lần đầu có mặt ở Việt Nam, để phục vụ người bệnh..

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, hy vọng với sự ra đời của Trung tâm này sẽ góp phần sớm giải quyết tình trạng quá tải BV, đồng thời, để người dân Thủ đô tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến mà không phải ra nước ngoài điều trị. Trung tâm cũng sẽ là nơi đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sĩ của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu KCB của người dân.

Thanh Hằng
.
.
.