Sẽ hết thời độc quyền xe cứu thương?

Thứ Ba, 12/07/2016, 08:34
Dư luận những ngày qua vô cùng bức xúc trước việc làm thiếu lương tâm của bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương khi chặn xe cấp cứu khiến một bệnh nhi mắc tim bẩm sinh tử vong trong xe. Sau sự việc này, mối nghi ngờ có sự “bắt tay” giữa nhân viên bảo vệ với dịch vụ xe cấp cứu cũng dậy sóng khi lâu nay người bệnh vẫn than phiền về dịch vụ xe cấp cứu thu tiền giá “chát” của bệnh nhân.


Người bệnh lo ngại nếu cứ đi viện mà gặp phải tình trạng như vừa xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương thì người nghèo lấy đâu ra tiền để thuê xe cấp cứu dịch vụ giá cao mà lẽ ra không đáng này.

Sau 3 ngày Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương chấn chỉnh công tác vận chuyển người, sáng 11-7, trong vai người nhà bệnh nhân cần thuê xe cấp cứu để đưa người bệnh về quê, chúng tôi có mặt ở Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội. Vì là sáng thứ hai nên bệnh viện rất đông, các trường hợp ra viện giải quyết trong ngày thứ hai cũng nhiều hơn. 

Qua cổng bệnh viện, chúng tôi thấy có 5 chiếc xe cấp cứu đỗ ngay phía ngoài, một chiếc là của Bệnh viện Việt - Đức, những chiếc còn lại mang BKS của tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội (đều là xe biển trắng, 2 xe biển Hà Nội có dòng chữ “vận chuyển người bệnh đặc biệt”). 

Gọi vào một số máy ghi trên xe để hỏi thuê chở người bệnh về Hải Dương, chúng tôi được tài xế cho biết: “Nếu bệnh nhân về ngay sáng thì xe chở luôn. Còn chiều mới về thì gọi trước 1,5 tiếng để xe lên đón. Giá về tới TP Hải Dương là 1,2 triệu có y tá đi kèm, nếu không có y tá thì 1 triệu”. 

Xe cấp cứu đang chờ vận chuyển bệnh nhân tại Bệnh viện Việt - Đức.

Theo tài xế này thì sáng 11-7 anh chở bệnh nhân từ Hải Dương lên Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu nên giờ đang chờ bệnh nhân lượt về. Thấy chúng tôi lo lắng vì lỡ có “sự cố” như ở Bệnh viện Nhi Trung ương, lái xe khẳng định: “Anh yên tâm, ở đây được đón bệnh nhân ra, không giống như BV Nhi đâu”. Sau một hồi thỏa thuận giá, tài xế bớt cho chúng tôi 100.000đ với điều kiện chúng tôi phải trả tiền “cổng” là 50.000đ.

Gặp một nhân viên bảo vệ làm việc tại khu vực đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Việt - Đức để hỏi về dịch vụ thuê xe cấp cứu chở bệnh nhân về nhà, anh này cho biết: “Bệnh viện có hai loại xe, biển xanh và biển trắng. Nếu thuê xe biển xanh sẽ rẻ hơn. Xe tỉnh khác vẫn được đến đón bệnh nhân miễn là người bệnh đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục xuất viện”.

Trong vai người nhà bệnh nhân đang nằm ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đi thuê xe cứu thương, chúng tôi được bảo vệ của bệnh viện này chỉ sang Bệnh viện Việt - Đức vì ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương không có dịch vụ xe cấp cứu, mà chỉ có 2 xe làm nhiệm vụ chở cấp cứu bệnh nhân sang các bệnh viện khác. 

Đến Phòng điều hành xe cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi được biết, giá chở về Hải Dương là 1,2 triệu, có y tá đi kèm thì thêm 250 nghìn, cần bình thở ô xi thì thêm 150 nghìn. Theo giới thiệu của một anh tài xế thì Bệnh viện Việt - Đức có rất nhiều xe cứu thương, giá xe theo hợp đồng quy định, khi nào hết xe biển xanh thì xe biển trắng mới tới lượt.

Vài tháng trước, dư luận cũng phản ánh bức xúc về tình trạng xe cứu thương giả ra vào công khai và vô tư làm giá “cắt cổ” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Rồi phản ánh của người bệnh về việc xe cấp cứu 115 đòi tiền của người bệnh quá nhiều lần quy định.

Theo chúng tôi được biết, nhiều tài xế xe cấp cứu ở ngoại tỉnh khi vào các bệnh viện như Bạch Mai, 103, Viện Bỏng quốc gia để đón bệnh nhân đã bị bảo vệ chặn xe, không cho vào. Việc này gây bức xúc cho bệnh nhân cũng như tài xế, nhưng bảo vệ không cho vào, đố tài xế nào dám không thực hiện. Hoặc có bệnh viện, xe cấp cứu vào đón bệnh nhân phải nộp tiền cho “cò” hoặc tiền vào cổng.

Sự việc xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho các bệnh viện, đặc biệt là cần phải gỡ bỏ những quy định nội bộ từ lâu được coi là “rào cản” gây khó khăn cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo trong việc chọn lựa dịch vụ vận chuyển cấp cứu. Nếu không chấn chỉnh, e rằng người bệnh tiếp tục oằn lưng gánh nhiều loại phí, làm lợi cho một số người thu tiền bất chính.

Theo những bệnh nhân đã từng thuê dịch vụ vận chuyển cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức thì không nên nhờ hay qua người nọ, người kia giới thiệu xe cứu thương, chi phí sẽ bị “đội” lên nhiều lần, thậm chí còn gặp phải “cò” dịch vụ. Tùy theo thể trạng của người bệnh, người nhà bệnh nhân nên đến Phòng điều hành xe cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức để làm hợp đồng thuê xe.
Xe cấp cứu đang chờ vận chuyển bệnh nhân tại Bệnh viện Việt - Đức.
Trần Minh
.
.
.