Sẽ có 35.000 trẻ được theo dõi sức khỏe qua công nghệ di động

Thứ Năm, 14/12/2017, 20:41

Tại “Hội thảo tham vấn ứng dụng công nghệ di động trong dự án phát triển trẻ em toàn diện” do Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 14-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết hiện tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam đã giảm rất nhiều, nhưng vấn đề vẫn phải làm sao để tỉ lệ tử vong giảm nhiều hơn nữa.


Nếu năm 1990, tỉ lệ tử vong của bà mẹ là 233 trường hợp/100 ngàn trường hợp trẻ sinh sống thì năm 2015 đã giảm còn 58 bà mẹ tử vong/100 ngàn trẻ sinh sống. Như vậy bình quân hàng năm vẫn có 600 bà mẹ tử vong cùng 10.000 trẻ, chủ yếu là sơ sinh bị tử vong. Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong bà mẹ và trẻ em là do một số bệnh lý. Đặc biệt với tử vong mẹ, trong sinh đẻ khó có thể phòng tránh được tuyệt đối. Ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Thụy Điển, Anh... cũng không thể tránh khỏi có những rủi ro khi sinh.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh bị bệnh bẩm sinh

Tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến có một thực tế là ở một số vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo vẫn còn khó khăn để tiếp cận với các dịch vụ y tế. Điều này đòi hỏi phải giảm bớt khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, vùng khó khăn bằng việc đưa dịch vụ y tế lên vùng sâu, vùng xa; nâng cao năng lực tại chỗ để đảm bảo được cấp cứu tại chỗ, đặc biệt là đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh; đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu để giải quyết cấp cứu...

Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin di động sẽ giúp phổ biến kiến thức cho người dân, đặc biệt là cho các bà mẹ và trẻ em để biết phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm, từ đó đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ứng dụng công nghệ điện thoại di động (MIECD) là một sáng kiến quan trọng của dự án Phát triển trẻ em toàn diện - một dự án yêu cầu phương pháp tiếp cận đa ngành và liên bộ nhằm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sớm.  MIECD cho phép thu thập dữ liệu và phân tích thông tin của bà mẹ và trẻ em theo thời gian thực, nhằm hỗ trợ toàn diện cho nhân viên y tế trong việc chủ động cung cấp các can thiệp hợp lý và đúng thời điểm để cứu sống bà mẹ và trẻ em.

Tới đây, sẽ có khoảng 35.000 trẻ từ 0-8 tuổi và 25.000 phụ huynh được hưởng lợi khi MIECD thí điểm tại 27 xã khó khăn của 9 huyện thuộc 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Điện Biên.


Thanh Hằng
.
.
.