Sau làm tóc, phải nhập viện cấp tốc vì hoại tử vành tai, mất cả da đầu

Thứ Năm, 05/01/2017, 15:12

Hai nữ bệnh nhân bị tổn thương nặng sau khi đi làm tóc: một bị hoại tử vành tai, một mất hẳn mảng lớn da đầu. Đây là những trường hợp lần đầu tiên mà Bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh tiếp nhận do nguyên nhân sau khi đi làm đẹp tóc bị bỏng nặng nề như vậy.

Chia sẻ về các trường hợp bệnh nhân trên ngày 5-1, ThS.BS Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng-Tạo hình- Thẩm mỹ- Bệnh viện Trưng Vương cho biết, trường hợp bệnh nhân nữ (38 tuổi) bị hoại tử vành tai, nhập viện cách đây 4 ngày, bệnh nhân đến Bệnh viện trong tình trạng nửa vành vành tai trên bị bỏng nghiêm trọng, viêm loét, nghiêm trọng hơn là một phần vành tai đã chuyển màu đen vì hoại tử.

Bệnh nhân cho biết, trước đó có đi hấp dầu tại một tiệm Uốn tóc để làm đẹp đón Tết. Trong khi được ngồi để được phục vụ dịch vụ "hấp dầu", do miếng chụp đầu có thể bị lỏng, nên nước từ máy hấp dầu chảy xuống tai cô, làm vành tai bỏng nặng. Sau khi về nhà, cô cũng thực hiện vệ sinh sạch sẽ vùng bị bỏng, nhưng chủ quan nên mọi việc đều tự điều trị, không đi Bệnh viện. Khi thấy tình trạng vành tai có dấu hiệu lạ, chảy nước vàng, tình trạng ngày càng nặng mới đến Bệnh viện.

Hiện nay, các sản phẩm làm đẹp tóc trên thị trường là chưa kiểm soát được( hình minh hoạ).
Tại Bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ cân nhắc nhưng cũng đành phải cắt bỏ 1/3 vành tai đã bị hoại tử, và chăm sóc bảo tồn phần da bị bỏng còn lại.

Cả hai trường hợp là cảnh báo điển hình về việc cần cẩn trọng khi đi làm đẹp tóc và cần biết cách sơ cấp cứu đúng khi bị bỏng.

BS Trần Lê Hồng Ngọc nhận định: "Với một vết bỏng sâu đến nỗi gây tình trạng hoại tử như bệnh nhân này, nguyên nhân bỏng chắc chắn phải do hóa chất hấp dầu. Do bỏng hơi nước bình thường ít khi dẫn đến hậu quả như vậy. Bác sĩ cũng cho biết, sắp tới, dự kiến bệnh nhân sẽ được phẫu thuật tạo hình lại vành tai, tuy nhiên, để lấy lại hình dáng vành tai như ban đầu thì không dám chắc.

Theo các bác sĩ, từ trước đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị bỏng tai, nhưng bỏng sâu vì hấp dầu tóc thì đây là lần đầu tiên. Trước đó cũng một trường hợp liên quan tới làm đẹp tóc phải nhập viện này là một nữ bệnh nhân (16 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng). Tình trạng đáng chú ý ở bệnh nhân này là trong khi đang uốn tóc ở tiệm, bất ngờ cô bị ống uốn tóc có lẽ bị hỏng, xì hơi nóng ra làm cô bị bỏng nặng. Khi kiểm tra vùng bỏng trên đầu mới biết vết tổn thương đã làm bong hẳn một mảng lớn da đầu (diện tích 10x5cm) trên đầu bệnh nhân.

Bệnh nhân này cũng tự chăm sóc tại nhà và nghĩ vết thương sẽ tự lành, tóc mọc lại. Tuy nhiên, vết thương trên đầu bệnh nhân ngày càng bị tổn thương gây loét trầm trọng. Lúc này, cô gái hốt hoảng nhập viện. Tại Bệnh viện Trưng Vương, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chỉ định, bệnh nhân phải cắt lọc vùng da bị bỏng sâu. Sau đó, tiếp tục trải qua một lần phẫu thuật nữa để tạo hình lại da đầu.

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ của Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, nơi đây thỉnh thoảng cũng hay tiếp nhận những trường hợp bị bỏng da đầu, bị dị ứng da đầu, dị ứng da mặt, thậm chí nổi vết ban toàn bộ cơ thể sau khi đi nhuộm, uốn tóc, duỗi tóc, hấp dầu. Trong lời khai của bệnh nhân với các bác sĩ cho thấy, dị ứng, bị bỏng do hoá chất tóc gây ra đa số là do nguyên nhân loại hoá chất dùng không đảm bảo, là hóa chất rẻ tiền, chủ yếu là hàng Trung Quốc, hoặc hoá chất làm tóc của Trung Quốc nhưng được nhái các thương hiệu nổi tiếng của các nước như: Hàn Quốc, Nhật...

Cũng theo BS này, trên thực tế hiện nay, nhiều người nếu có nhu cầu phải đi uốn tóc, nhuộm tóc đều cố gắng đi vào siêu thị mua hộp thuốc có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ xuất xứ để tạm yên tâm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, dù có được dùng thuốc nhuộm tóc "xịn" đi chăng nữa, khi chải thuốc lên tóc, không được để thuốc dính vào sát da đầu sẽ gây bỏng rát, gây ngứa hoặc thậm chí gây bỏng da đầu. Nếu không may bị bỏng da mặt, da đầu, vành tai...do thuốc hoá chất tóc, nếu sơ cấp cứu bỏng không đúng, không đi khám nơi chuyên khoa, vết tổn thương bỏng vốn rất dễ bị bội nhiễm, gây nhiễm trùng, làm hỏng mạch máu nuôi dẫn tới việc vết thương ăn sâu hơn vào vùng da bị bỏng, gây hoại tử, bong tróc da đầu, không còn máu nuôi thậm chí, không có khả năng mọc lại được tóc.

Theo các bác sĩ, hai trường hợp trên, lúc đầu có thể vết tổn thương trên da không trầm trọng lắm nhưng do bản thân bệnh nhân và người chủ tiệm uốn tóc không nắm được kĩ thuật sơ cấp cứu với người bị bỏng, nhất là trong trường hợp nếu bỏng liên quan tới hoá chất làm tóc, đã để tình trạng tai biến, gây hậu quả nặng như 2 trường hợp trên. BS Trần Lê Hồng Ngọc cũng khuyến cáo, khi bị bỏng như trên, cách xử trí đúng là dùng nước mát ( nước sạch), dội trực tiếp lên chỗ bỏng trong vòng 15-20 phút để làm giảm bớt nhiệt vết tổn thương bỏng, giảm thiểu tình trạng tổn thương ăn sâu vào bên trong. Sau đó nạn nhân cần được đưa đến ngay Bệnh viện có chuyên khoa bỏng gần nhất để điều trị. Không nên chủ quan, tự điều trị ở nhà làm vết thương bỏng ăn sâu hơn, thiếu thuốc men điều trị đặc hiệu nên gây viêm, loét, nhiễm trùng, hoại tử.

H.Nga
.
.
.