Rét đậm mưa dầm, bệnh nhân nhập viện tăng mạnh

Thứ Năm, 28/12/2017, 08:31
Những ngày này, miền Bắc đang trải qua đợt lạnh kéo dài. Thời tiết mấy hôm trước nắng nhưng vẫn lạnh, mấy ngày nay lại mưa dầm, nhiệt độ có lúc hạ thấp 8-9 độ C, ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều người.

Vì thế, những ngày vừa qua, bệnh nhân nhập viện cũng tăng, trong đó nhiều người bị biến chứng của cao huyết áp như đột quỵ, phình mạch máu não, tắc mạch máu não gây hôn mê v.v… Người già và trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất của thời tiết. 

PGS. TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện mỗi ngày Khoa tiếp nhận 10 - 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5-10%. Đáng lưu ý là nhiều người vào viện trong tình trạng nặng, nguy hiểm tới tính mạng.

Theo PGS. TS Mai Duy Tôn, trời lạnh, huyết áp tăng là nguyên nhân gây đột quỵ. Trời lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn làm tắc nghẽn mạch máu cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh là điều kiện cho một số bệnh nhiễm trùng phát triển và là cơ hội cho những người có bệnh dễ  bị đột quỵ hơn.        

PGS.TS Phạm Gia Khải -nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng cho biết, mùa đông các bệnh về hô hấp, tim mạch tăng cao, nhất là ở người cao tuổi do sức đề kháng yếu nên trời lạnh dễ bị viêm phế quản, viêm phổi cấp tính… 

Đáng lưu ý là thời tiết lạnh, người cao tuổi thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được quan tâm, đến khi vào viện thì thường bệnh đã rất nặng. 

Bên cạnh đó, một số bệnh mạn tính ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh ở người cao tuổi.

PGS. TS Mai Duy Tôn khám cho bệnh nhân đột quỵ.

Thời tiết lạnh kéo dài cũng khiến nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn hô hấp, nên bệnh nhi đến khám và điều trị tại các BV tăng cao. Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, mỗi ngày BV tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám, chữa bệnh. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh về đường hô hấp tăng, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa... Có bé vài tháng tuổi đã phải cấp cứu vì viêm phổi nặng.

Còn tại Khoa Nhi của BV Bạch Mai, mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 200 đến 250 bệnh nhi, trong đó bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 30 đến 50%. Theo BS Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi, trẻ nhập viện trong thời điểm này chủ yếu vì các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi.

BS Nguyễn Thành Nam cho biết, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên trẻ em dễ mắc bệnh khi thời tiết rét đậm hoặc giá rét kéo dài, đặc biệt là dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. 

Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, khi trời giá rét, luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc đi ra ngoài. Nên cho trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài chơi nhiệt độ thấp, hay có gió, mưa ẩm; cho trẻ ăn uống đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm v.v…

Các bác sĩ lưu ý, người dân không nên ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm, nên ăn uống thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để đủ năng lượng cho cơ thể.

PGS Khải khuyến cáo, mọi người, đặc biệt là người cao tuổi, cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa để phòng bệnh hô hấp trong mùa lạnh. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. 

Có thể tập thể dục hoặc vận động ở trong nhà, nhưng không nên ra khỏi nhà khi thời tiết lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa. Người cao tuổi chỉ nên ra khỏi nhà khi trời đã có nắng, hoặc trời ấm và phải luôn giữ ấm chân, đầu và cổ. Những người có bệnh mạn tính, huyết áp, cần sử dụng thuốc hằng ngày và đo huyết áp thường xuyên.

Còn theo PGS.TS Mai Duy Tôn, những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. 

“Khi phát hiện người nhà bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ trong vòng 6 tiếng đầu để việc điều trị được hiệu quả. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà  và dùng thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị. 

Trong lúc chờ  xe cấp cứu nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ, nếu có răng giả thì phải lấy ra. Đặc biệt cần lưu ý là không cho bệnh nhân ăn hay uống thuốc để tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân có thể có rối loạn nuốt.

Thanh Hằng
.
.
.