Tỷ lệ thừa cân ở Việt tăng Nam nhanh và rất nghiêm trọng

Thứ Tư, 18/10/2017, 15:04
Ở Việt Nam, từ năm 1980 đến 2013, tỷ lệ béo phì, thừa cân tăng tới 27,5% ở người lớn và 47,1% ở trẻ em. 


Những con số đáng báo động về tình trạng béo phì, thừa cân này đã được đưa ra tại hội thảo “Phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em -Lời cảnh báo của chuyên gia” do Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 18-10.

Hậu quả của béo phì, thừa cân rất nghiêm trọng cho sức khoẻ. Theo TS. Từ Ngữ -Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, béo phì, thừa cân để lại nhiều hậu quả y khoa.

Nhiều người nổi tiếng tham gia hội thảo

Béo phì, thừa cân cũng là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đa số người Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ từ căn bệnh này. Vì thế, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở Việt Nam là rất lớn.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng -nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) giải thích tình trạng béo phì, thừa cân là do những năm trước, đất nước ta còn nghèo, thiếu ăn, người suy dinh dưỡng nhiều, nên người dân quan niệm cứ béo tốt là béo khỏe, béo đẹp. Khi nền kinh tế chuyển từ nghèo đói sang khá giả, chúng ta cũng chưa biết cách ăn uống cho khoa học.

Chưa biết tổ chức những bữa ăn khoa học đang phổ biến và là nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì, thừa cân. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia ở một số trường THCS ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đa số khẩu phần năng lượng và một số vi chất của trẻ em học đường nói chung chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị 2016 của Viện Dinh dưỡng. 

Một nghiên cứu khác ở một số trường tiểu học ở Hải Phòng chỉ ra, việc trẻ tiêu thụ nước giải khát 1-3 lần/ngày làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì lên từ 2-6 lần. Tiêu thụ các thực phẩm giàu đường mật hàng ngày làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì lên 2 lần.

Trong khi đó, các đồ uống công nghiệp như nước ngọt có ga lại rất được trẻ em yêu thích. Mà theo TS. Nguyễn Trọng Hưng -Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dùng quá nhiều nước ngọt có ga cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì, bởi trong nước ngọt chứa nhiều đường đơn.

TS. Trương Hồng Sơn -Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam, cũng cho biết: Tại 8 thành phố lớn ở Việt Nam: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…có khoảng 100.000 trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, nhưng ngược lại, số trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. 

Các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến cáo về béo phì thừa cân

Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn gần như ngang nhau. 

Làm thế nào để ngăn chặn “làn sóng” béo phì, thừa cân với nguy cơ gây nên nhiều hệ lụy cho cả cá nhân lẫn gia đình và xã hội, là vấn đề xuyên suốt được các chuyên gia đưa ra bàn thảo. 

TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo không nên cho trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên, nếu dừng lại ở mức 1 – 2 lon/ tuần thì có thể chấp nhận được. 

Tuy nhiên cha mẹ lưu ý là cần kiểm soát cả lượng bánh kẹo ngọt con ăn vào trong ngày, vì đường không chỉ đến từ con đường nước ngọt có ga. Nếu chỉ kiểm soát nước ngọt mà không kiểm soát những loại thực phẩm kể trên thì tổng lượng đường đơn trẻ tiêu thụ trong ngày rất dễ vượt mức cho phép”.

Lời khuyên của TS. Lưu Thị Mỹ Thục -Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Trung ương là, để kiểm soát cân nặng cần thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày và giảm thời gian tĩnh tại như xem ti vi và phải ngủ đủ giấc tùy theo lứa tuổi.

Một kinh nghiệm của gia đình TS. Từ Ngữ là “ăn rau trước khi ăn cơm”, ăn nhiều hoa quả, rau củ vì mỗi loại rau quả có ảnh hưởng khác nhau đến cân nặng. 


Thanh Hằng
.
.
.