Rà soát bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện trên cả nước

Thứ Ba, 28/07/2020, 08:55
COVID-19 đang lây nhiễm trong cộng đồng khi nước ta đã ghi nhận 4 ca mắc trong 3 ngày qua. Vì vậy, không chỉ Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân để sớm phát hiện trường hợp nghi ngờ.


Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 27/7.

Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới xâm nhập từ bên ngoài

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện chưa có đủ bằng chứng 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus SARS-CoV-2 ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Đà Nẵng đã quyết định thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy, đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đó có 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác.

Hiện, Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất là những chuyên gia giỏi nhất chi viện cho Đà Nẵng phòng chống dịch. Công việc của các đội là tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất, phối hợp tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng là BN 416 và 418 phải thở máy, chạy ECMO, đến này 27-7 các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định…

Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. “Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực để nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân…

Các địa phương không thể chủ quan

Phân tích cơ chế lây nhiễm, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo cho hay, kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình, 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.

Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, các giải pháp đưa ra lúc này là cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý, không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc. Thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người...

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với lực lượng Công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh.

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Công tác kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh phải được tăng cường và siết chặt.

Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28/7

Chiều 27/7, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 4930/UBND-SYT về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường: Đường Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng). Thời gian bắt đầu thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-7 cho đến khi có thông báo mới.

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề.

Công an Quảng Ngãi phong tỏa, giám sát khu vực cách ly.

Chỉ cho phép mở cửa các các cơ sở khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải bảo đảm các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Riêng tại địa bàn huyện Hòa Vang: Thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

UBND thành phố giao Sở Y tế khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, điều tra, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly; khẩn trương xây dựng phương án giám sát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở... tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bằng phương pháp phù hợp để xác định nguồn lây, không để bỏ sót trường hợp có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường mắc bệnh để có biện pháp can thiệp y tế phù hợp.

Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ công tác cách ly tại các khu vực có liên quan đến bệnh nhân; xây dựng phương án, đề xuất áp dụng biện pháp cách ly vùng có dịch trong trường hợp cần thiết; huy động mọi nguồn lực để phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương tích cực điều trị, chữa khỏi bệnh nhân với tinh thần quyết tâm cao nhất không để bệnh nhân tử vong.

Các Sở Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo… chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chủ động cung cấp thông tin; thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19 hiệu quả tại các cơ sở nhóm trẻ gia đình, mầm non, mẫu giáo…

Người đi du lịch tại  Đà Nẵng về phải chủ động khai báo y tế

Chiều 27/7, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP đã chủ trì tổ chức họp trực tuyến với các quận, huyện, xã, phường để triển khai những phần việc cụ thể, không để dịch bệnh quay trở lại.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, ngày 26/7, trên địa bàn có ca nghi ngờ, với các biểu hiện như ho. Đó là anh P.N..Đ, 47 tuổi, tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm về từ thành phố Đà Nẵng ngày 13/7/2020. Kết quả cho thấy bệnh nhân âm tính với virus SARS-COV-2 (kết quả xét nghiệm chiều 27/7 từ CDC Hà Nội).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, qua rà soát cho thấy thời gian gần đây có khoảng 15.000 người đi du lịch tại Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận trở về TP Hà Nội. “Do vậy, có nguy cơ cao dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian tới. Đề nghị các sở ngành, quận huyện phải ngăn chặn tối đa để dịch bệnh không lây lan ngoài cộng đồng”, ông Quý nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng thông tin, thêm, vừa qua lực lượng chức năng của TP đã phát hiện 19 trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp này đều được lấy mẫu, xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2...

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung xác định Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Trên cơ sở đó, Chủ tịch đề nghị rà soát tất cả những người đi từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 đến nay, với tinh thần chủ động, phát hiện kịp thời, ngăn chặn nhanh chóng, không để lây lan rộng.

“Tập trung rà soát những người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, đặc biệt là những nơi có dịch như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Trung tâm tiệc cưới For you Palace (Hải Châu)… Đối với những trường hợp trên đều phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà. Các trường hợp đi du lịch tại Đà Nẵng phải chủ động khai báo y tế và chủ động theo dõi sức khỏe của mình”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải tiến hành quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong khám chữa bệnh. Công an TP và các quận, huyện quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đều phải cách ly và tổ chức xét nghiệm 2 lần, sau 1 tháng thì phải xét nghiệm thêm một lần nữa.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn duy trì việc dùng nước sát khuẩn và đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các cơ sở y tế của quận, huyện và CDC Hà Nội tiếp tục duy trì đội phản ứng nhanh và đảm bảo duy trì trực 24/7.

Ông Chung cũng lưu ý tiếp tục khởi động lại ứng dụng Smart City để người dân kịp thời phản ánh thông tin; Chú ý phòng chống dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, các dịch bệnh mùa hè khác cùng với phòng chống dịch COVID-19.

Chiều tối 27/7, Việt Nam ghi nhận thêm 11 ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở Việt Nam lên 431 người. Cụ thể, các bệnh nhân có độ tuổi từ 24-70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận - Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau khi được phong toả ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm ngày 27/7 có 11 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Như vậy, đến nay Việt Nam có 66 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 8 bệnh nhân âm tính 1 lần trở lên, 58 bệnh nhân dương tính.

Trần Hằng - Hoài Thu
.
.
.