Phụ huynh cần chú ý sau khi tiêm vaccine cho trẻ

Chủ Nhật, 28/07/2019, 06:06
Sau khi tiêm vaccine ComBE Five có thể một số trẻ sẽ có phản ứng, trường hợp nặng thì co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ, thậm chí có trường hợp tử vong nếu không phát hiện sớm và xử lí kịp thời. Chính vì vậy bác sĩ thường dặn người nhà cần chú ý đến biểu hiện của trẻ sau khi tiêm phòng.


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine ComBe Five có thành phần tương tự như vaccine Quinvaxem, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào: Sốt từ 38 độ C đến 39 độ C chiếm 44,5%; phản ứng sưng chiếm 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%; đau chiếm 25,6%; các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.

Phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ và không được lơ là sau khi tiêm.

Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trong một triệu liều vaccine sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP TP TP Hồ Chí Minh cho biết, để việc tiêm chủng được đảm bảo an toàn, ngay từ đầu năm 2019, TTYTDP thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức 10 lớp tập huấn về khám, sàng lọc và theo dõi sau tiêm chủng cho hơn 800 nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng mở rộng tại tất cả các trạm y tế phường, xã, trung tâm y tế quận, huyện.

Sở Y tế thành phố cũng đã ban hành các văn bản quy định tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả, chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn tiêm chủng. Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện hướng dẫn cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, điều trăn trở là tỷ lệ số trẻ được tiêm đầy đủ các mũi tiêm còn rất thấp, chỉ chiếm 11,32%. Tính chung tổng số trẻ được tiêm mũi 1, mũi 2 và đủ 3 mũi trong năm 2018 và 2019, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tiêm được 40.117 mũi vaccine ComBE Five cho trẻ. Trong đó có 1.975 trẻ có phản ứng sau tiêm (chiếm 4,9%), chủ yếu là các phản ứng nhẹ như sốt, quấy khóc, sưng chỗ tiêm…

Tuy nhiên, có 95 trường hợp phải nhập viện, trong đó có 2 trường hợp có phản ứng nặng độ III sau tiêm vaccine này. Hai trường hợp trẻ có phản ứng nặng độ III sau tiêm chủng gồm một bé trai và một bé gái. Cả hai đều được điều trị kịp thời theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế và qua nguy kịch.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, cả hai trường hợp phản vệ nguy kịch sau khi tiêm chủng đều được cấp cứu kịp thời, các trạm y tế đã phản ứng nhanh, xử trí đúng quy trình. Ngược lại, việc trẻ phản ứng sau tiêm sẽ rất nguy hiểm, nếu không may cha mẹ lơ là, thiếu hiểu biết hay việc cơ sở tiêm chủng xử trí không kịp thời… Vì thế các cơ sở tiêm chủng cần phối hợp với các bệnh viện gần nhất để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Nhân Sơn
.
.
.