Phẫu thuật đặt stent cho bệnh nhi đầu tiên bị thủng thực quản

Thứ Ba, 30/08/2016, 11:50
Sau 8 ngày được phẫu thuật, đến ngày 30-8, bé gái Trần Thị Ngọc Anh (6 tuổi, xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), bệnh nhi đầu tiên được đặt stent tại Bệnh viện Việt Đức do bị thủng thực quản, đã có sự hồi phục tốt về sức khoẻ. Đây là một ca bệnh hy hữu mà Bệnh viện đã điều trị thành công. 

Ngày 21-7, cháu bé nhập viện do thủng thực quản vì nuốt phải đồ chơi. Theo gia đình cháu, khi 4 tuổi, bé đi nhà trẻ và do không cẩn thận nên mắc phải đồ chơi. Sau đó, bố mẹ thấy cháu bị ho, không ăn được, sụt cân nhanh, cháu rất yếu nên đã đưa bé đi khám ở bệnh viện huyện Đồng Hỷ, nhưng bác sĩ đã không phát hiện bé bị mắc dị vật ở thực quản.

Sau một thời gian điều trị uống thuốc mà sức khỏe bé vẫn yếu đi, gia đình lo lắng quyết định đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung Ương khám. Khi tiến hành nội soi, các bác sĩ đã phát hiện cháu bị mắc dị vật ở thực quản và đã tiến hành phẫu thuật để gắp dị vật ra. Nhưng sau hơn 2 tháng phục hồi, bé phải ăn bằng đường "sông" qua mũi rất khó khăn.

 Nhìn bé gái mỗi khi ăn rất tội nghiệp, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn để tìm biện pháp tốt hơn. Bé đã được mổ xông dạ dày và phải ăn bằng "sông" dạ dày từ năm 2015 đến nay. Đã vậy, cháu lại có hoàn cảnh rất thương tâm khi mẹ bị mất do tai nạn giao thông khi cháu mới lên 2, gia đình lại rất nghèo. Vì thế, các bác sĩ không ngừng tìm các biện pháp tối ưu cho cháu bé được cải thiện cuộc sống và có một tương lai tốt hơn.
Bé Trần Thị Ngọc Anh.

Tháng 7-2016, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã mời ThS. Chu Nhật Minh,  Trưởng khoa Nội soi – Bệnh viện Việt Đức sang hội chẩn. Theo Ths, Chu Nhật Minh, do được mở thông dạ dày, thức ăn cứ nuốt là vào phế quản khiến bé bị ho, sặc, rồi sốt... Kết quả nội soi thấy có 1 lỗ rò lớn, đã bị xơ sẹo ở 15cm cách CRT, bơm cản quang qua catheter thấy thuốc ngấm vào phế quản. Miệng thực quản ở khoảng gần 14cm cách CRT. Tâm vị ở 26cm cách CRT.

Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn và đưa ra các phương án: hoặc phải đưa đại tràng lên nối, mà việc này sẽ rất phức tạp và khó khăn, tiên lượng lại nặng nề; hoặc sẽ tiến hành đặt 1 stent - SEMS ( self expandable metalic stent) cho cháu, hy vọng thức ăn sẽ không qua lỗ rò, tổn thương sẽ dần liền lại, sau đó sẽ rút bỏ stent sau.

Nhưng ngay cả việc đặt stent cho cháu cũng không dễ dàng. Bên cạnh việc đòi hỏi tay nghề cao, là cái stent có giá hơn 20 triệu đồng-một khoản tiền quá lớn so với điều kiện gia đình của bé. 

Vì thế, ngay khi tiếp nhận trường hợp em bé, các bác sĩ Khoa Nội soi và Khoa Nhi Bệnh viện Việt Đức đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho bé. May mắn, hãng vật tư y tế HAT- MED đã đồng ý tài trợ cho bé 1 cái Stent trị giá 21 triệu, dài 9cm, thân 4cm, phễu dài 2,5cm, bọc silicone). 

​Ngày 22-8-2016, ThS. Chu Nhật Minh đã tiến hành phẫu thuật đặt Stent cho em bé và đã thành công. Hiện tại, bé vẫn đang được điều trị tại Khoa Nhi, sức khỏe đang trong quá trình hồi phục.

Nhân trường hợp của cháu bé, các bác sĩ cảnh báo các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng, không nên để trẻ em chơi đồ chơi một mình, không cho đồ chơi vào miệng, vì khi xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả khôn lường. Không chỉ gây tổn thương ngay mà còn để lại di chứng suốt đời, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ. 

 

H. Thanh
.
.
.