Phát huy Trạm Y tế xã điểm trong việc chăm sóc sức khỏe người dân

Thứ Bảy, 16/11/2019, 21:05
Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển và được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo.

Đến nay, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm 26 Trạm Y tế xã điểm theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, kết quả thu được rất khả quan.

Người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở

Tới thăm 4 Trạm Y tế (TYT) thuộc Mô hình điểm của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh là: thị trấn Phố Châu, xã Sơn Tây, xã Sơn Diệm và xã Sơn Kim 1, chúng tôi thấy công cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tương đối tốt.  Đây cũng là 4 TYT xã được chọn làm điểm triển khai theo Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

Vào tháng 7-2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra thực tế tại 4 TYT điểm này. Theo đánh giá của Bộ trưởng, đến nay, các TYT xã điểm đã bước đầu đạt được những tiêu chí đặt ra, sắp xếp lại công năng, thay thế cơ sở vật chất, trang bị thêm máy tính, bổ sung trang thiết bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra tại Trạm Y tế xã điểm của huyện Hương Sơn

Các cơ quan chức năng cũng ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp như: Cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; kết nối thanh toán BHYT và quản lý; báo cáo thống kê hoạt động của trạm… Nhờ đó, các nhiệm vụ của TYT bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.

Bà Hà Thị Khoát, ở xã Sơn Diệm cho biết, bà mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm, trước phải lên bệnh viện huyện và tỉnh điều trị, nhưng một năm nay không cần phải lên tuyến trên nữa mà trực tiếp khám, theo dõi và uống thuốc ngay tại xã. “Trạm Y tế xã khang trang, lại có bác sĩ, thiết bị y tế tốt hơn trước nhiều nên người dân cũng yên tâm hơn” – bà Khoát vui vẻ cho biết.

Nhiều người dân trong xã Sơn Diệm mắc các bệnh lý thông thường đã được khám, điều trị và cấp phát thuốc theo BHYT ở tại tuyến xã, không phải vượt tuyến vừa mất thời gian lại tốn kém. Đây chính là kết quả bước đầu mà Mô hình TYT xã điểm đem lại, đó là có thể quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở, có sổ theo dõi quản lý từng người bệnh. Với những ưu điểm này, người dân tích cực đi khám bệnh để phòng ngừa bệnh tật hơn.

Chị Nguyễn Thị Minh, ở thị trấn Phố Châu cho biết, người dân như chị được hưởng lợi nhất từ TYT xã điểm chính là công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Ngày trước chị phải lên tuyến huyện, tỉnh để khám về sức khỏe sinh sản thì nay khám tại TYT thị trấn. TYT có phòng khám phụ khoa, có phòng đẻ nên số ca sinh thường đến sinh tại TYT đã tăng lên. Công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tiêm chủng mở rộng ở TYT đã có nhiều chuyển biến tốt. 

Khắc phục tồn tại, nâng cao năng lực của TYT xã

Theo ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), tăng cường y tế cơ sở là nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tính đến năm 2016, 84% Trạm Y tế xã ở nước ta có bác sĩ làm việc tại trạm; 94,1% Trạm Y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 76,2% Trạm Y tế xã đạt chẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Bố Y tế đã triển khai thí điểm Trạm Y tế điểm tại 26 xã, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc, bao phủ sức khỏe toàn diện cho người dân. Theo đó, Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi y tế cơ sở không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn cần phải giải quyết. Đó là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Chính vì vậy, người dân đến với TYT xã để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe chiếm tỷ lệ thấp, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải, không đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh BHYT cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân.

Theo Bộ trưởng, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau. Phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị và phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe từ cơ sở.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tới đây cần tiếp tục sắp xếp các Trung tâm y tế và Bệnh viện tuyến huyện thành Trung tâm y tế đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, trực tiếp quản lý TYT xã nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến huyện.

Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của TYT xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ TYT xã làm những việc theo “Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở” bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại TYT xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về.

Minh Thư
.
.
.