Phải giảm thời gian người bệnh chờ đợi

Thứ Bảy, 16/12/2017, 09:34
Bộ Y tế đã tiến hành đo lường sự hài lòng của người bệnh trên quy mô toàn quốc, theo quy định về cải cách hành chính của Chính phủ.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác đánh giá sự hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 15-12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ Y tế đã tiến hành đo lường sự hài lòng của người bệnh trên quy mô toàn quốc, theo quy định về cải cách hành chính của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận ở nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân vẫn chưa hài lòng với thái độ, phục vụ của nhân viên y tế cũng như chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Đó cũng là nguyên nhân gây nên nhiều vụ việc bức xúc của người bệnh trong thời gian qua.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh (Viện Chiến lược và Chính sách - Bộ Y tế) cho rằng, để người bệnh hài lòng khi tới các cơ sở y tế  khám và điều trị bệnh, nhân viên y tế cần giải thích rõ ràng tình trạng bệnh, phương pháp điều trị, và tiên lượng về diễn biến để người bệnh nắm được. 

Nhiều trường hợp, nhân viên y tế có thể cung cấp thông tin về việc điều trị không đáp ứng hiệu quả cho người bệnh, người nhà bệnh nhân một cách kịp thời, nhưng cũng cần lưu ý phải chuẩn bị tinh thần cho họ đầy đủ trước khi cung cấp thông tin xấu liên quan đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Tránh việc cung cấp thông tin xấu đột ngột vì có thể gây nên tình trạng khủng hoảng tinh thần cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân.

Nhiều ý kiến đóng góp để làm hài lòng người bệnh.

Từ Tây Nguyên, đại diện Sở Y tế KonTum cho biết một thực tế khiến bệnh nhân chưa hài lòng là người bệnh phải chờ đợi quá lâu khi đi KCB. Do vậy để giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh, rất cần cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết và lấy người bệnh làm trung tâm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho rằng, các bệnh viện cần giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân bằng các biện pháp cụ thể như tiếp nhận, sắp xếp, bố trí, quản lý người bệnh nhập viện theo hệ thống công nghệ tin học và phần mềm quản lý vì sẽ làm giảm bớt những mặt hạn chế phát sinh từ thủ tục hành chính trước đây. 

Cải tiến dây chuyền khám chữa bệnh theo phương thức hành chính một cửa gồm bảng điện tử lấy số khám bệnh tự động, phân công nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh tại các khoa khám bệnh, sắp xếp phòng xét nghiệm cận lâm sàng và nhà thuốc ngoại trú một cách hợp lý.

Thanh Hằng
.
.
.