Phải có chế tài riêng để xử phạt vi phạm về kê đơn, bán thuốc kháng sinh sai quy định

Chủ Nhật, 29/11/2020, 06:52
Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Tổ chức Y tế thế giới ước tính và cảnh báo, đến năm 2050 tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.

Trước hiểm họa của kháng thuốc đang đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của người dân, Việt Nam phải hành động như thế nào để không còn tình trạng bác sĩ chỉ định và kê đơn kháng sinh không phù hợp, người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi có đơn của bác sĩ, nhà sản xuất không lạm dụng thuốc kháng sinh để biến vật nuôi, cây trồng thành “siêu” tăng trưởng…? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò với Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, mức độ kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang ở giai đoạn nào?

Tiến sĩ Cao Hưng Thái: Mức độ kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang hết sức nghiêm trọng. Hầu hết vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh và rất nhiều vi khuẩn là đa kháng với thuốc kháng sinh. Ví dụ một con vi khuẩn kháng với rất nhiều loại kháng sinh, dẫn đến rất khó có thể có kháng sinh để điều trị cho những trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn đối với con vi khuẩn đó. Những kháng sinh đặc hiệu như Carbapenems - là kháng sinh phổ rộng, kháng sinh mới thế hệ 3-4, có hiệu lực cao, nhưng các vi khuẩn đã kháng rồi, đặc biệt là vi khuẩn Gram âm thường xuất hiện ở các bệnh viện, đều kháng với Carbapenems. Tuy nhiên mức độ có khác nhau, giai đoạn đầu khi Carbapenes xuất hiện, tỷ lệ kháng ở mức thấp. Nhưng ở một số bệnh viện hiện nay, như Bệnh viện Nhi Trung ương có con vi khuẩn Klebsiella đã kháng Carbapenems trên 30%, nếu trẻ em nhiễm Klebsiella khó có thể có thuốc để điều trị và nguy cơ tử vong cao.

Thêm vào đó, mô hình bệnh truyền nhiễm như các bệnh về nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, đặc biệt đại dịch COVID-19 là vấn đề nhức nhối hơn cho tình trạng kháng kháng sinh ở nước ta hiện nay.

Tiến sĩ Cao Hưng Thái.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, được biết, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh cao như hiện, nhưng theo ông nguyên nhân nào đáng lo nhất và vì sao? 

Tiến sĩ Cao Hưng Thái: Những nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc rất đáng lo ngại là thầy thuốc chỉ định kháng sinh, kê đơn không cần thiết, có nhiều trường hợp không do nhiễm khuẩn, chỉ là cúm mùa, tiêu chảy, cũng kê đơn kháng sinh. Rõ ràng những trường hợp này uống kháng sinh không khỏi bệnh, gây nguy cơ không tốt nhưng vẫn kê đơn. Sử dụng kháng sinh không đúng bệnh, không những không diệt được vi khuẩn mà còn khiến bệnh trầm trọng hơn.

Thứ hai là tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn còn cao. Bệnh đáng lẽ dùng kháng sinh kinh điển như Amoxicillin, kháng sinh thế hệ 1, 2 thì đã khỏi rồi, nhưng bác sĩ chỉ định và kê đơn ngay kháng sinh mạnh, thế hệ 3, thế hệ 4, thậm chí những kháng sinh đắt tiền để mong tiêu diệt ngay, khỏi bệnh ngay. Tuy khỏi bệnh lúc đó nhưng sau này người bệnh gặp nguy cơ kháng thuốc, và khi mắc bệnh trở lại không có kháng sinh để dùng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do người dân tự ý mua kháng sinh về sử dụng, sử dụng thiếu hoặc quá liều, hoặc mượn đơn của người khác dùng cho con mình, cho bệnh của mình.

Nguyên nhân nữa là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt chưa kiểm soát được, đặc biệt là dùng cho mục đích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi. Điều này gây nguy hại và dẫn đến gia tăng trầm trọng kháng kháng sinh.

Phóng viên: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bác sĩ lạm dụng trong kê đơn kháng sinh là do ăn chia “hoa hồng” với doanh nghiệp cung ứng thuốc. Ngành Y tế có những giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này không, thưa ông?

Tiến sĩ Cao Hưng Thái: Tình trạng thầy thuốc thông đồng với nhà sản xuất, nhà cung ứng thuốc nói chung và thuốc kháng sinh nói riêng đã tồn tại từ lâu, khá phổ biến ở Việt Nam đã được nhiều cơ quan chuyên môn khẳng định. Đến nay hiện tượng này vẫn còn. Marketing cầm tay thầy thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm dụng thuốc kháng sinh. Vì lợi ích mà thầy thuốc kê đơn không phù hợp, đây là nguyên nhân rất quan trọng. Nếu các bác sĩ làm việc ở bệnh viện, chúng ta có chế tài quản lý việc kê toa, chỉ định thuốc của thầy thuốc. Nhưng cũng các bác sĩ đó về hành nghề tư nhân tại gia đình, hoặc các phòng khám tư nhân khác, thì bác sĩ đó kê đơn lại khác. Lẽ ra trong bệnh viện không kê đơn kháng sinh đắt tiền, kháng sinh thế hệ mới, nhưng về phòng mạch thì lại kê. Đây là thực trạng do có liên quan đến lợi ích, kê như thế để có nguồn thu từ tiền thuốc.

Giải quyết vấn đề nay rất phức tạp, liên quan đến quản lý người hành nghề ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, liên quan đến quy chế chuyên môn giám sát ở khu vực này như thế nào, trong khi khu vực này lớn, đông. Để giải quyết được đòi hỏi một giải pháp hết sức lớn, cần có chiến lược, chính sách tổng thể.

Theo tôi, muốn quản lý được, đòi hỏi phải điều chỉnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh để quản lý được đội ngũ hành nghề y, dược tư nhân và có điều kiện ràng buộc. Chẳng hạn khi thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân phải ứng dụng công nghệ thông tin – đây là điều kiện bắt buộc bởi đó là công cụ giúp cơ quan chức năng giám sát phòng khám hoạt động. Thứ hai là phải có những quy định ràng buộc chỉ đạo của các cơ sở y tế tuyến trên để phối hợp, giám sát nhau. Chúng ta hiện nay chỉ giám sát điều kiện đầu vào, trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh lại chưa có chế tài, quy định cụ thể, nên dẫn đến mất kiểm soát. Từ đó dẫn đến việc sử dụng kháng sinh phức tạp.

Phóng viên: Thưa ông, hậu quả của kháng kháng sinh gây ra như thế nào nếu trong tương lai chúng ta vẫn chưa kiểm soát được hiểm họa này?

Tiến sĩ Cao Hưng Thái: WHO nhận định, sau COVID-19, kháng thuốc kháng sinh là hiểm họa thứ 2 của y tế toàn cầu. Báo cáo của WHO năm 2020, trên toàn thế giới, tỷ lệ đề kháng cao của vi khuẩn với kháng sinh được sử dụng thường xuyên để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và một số dạng tiêu chảy… cho thấy chúng ta đang hết thuốc kháng sinh hiệu quả. Hiện nay, những kháng sinh thế hệ mới nhất, tốt nhất đã bị kháng thuốc. Vì vậy, một số ca bệnh đã phải phối hợp nhiều loại kháng sinh với nhau để điều trị, nhưng tác dụng phụ của kháng sinh rất trầm trọng, dễ gây ra tử vong. Kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân và làm đảo lộn thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta.

35 ca tử vong do COVID-19 ở nước ta có liên quan đến bệnh lý nền và liên quan đến sử dụng kháng sinh, những bệnh nhân này sử dụng kháng sinh có vi khuẩn kháng thuốc nên không cứu sống được. Kháng sinh có độc tính cao, khi sử dụng phải hết sức hạn chế, bởi độc tính dùng để chữa bệnh, nhưng tác hại là gây ra viêm gan, viêm thận rất lớn.

Ngoài tử vong và tàn tật, bệnh kéo dài, thời gian nằm viện lâu hơn, kháng kháng sinh còn gây tiêu tốn chi phí cho người dân, cho xã hội rất lớn. Nếu trong bệnh viện mà kiểm soát được nhiễm khuẩn bệnh viện – còn gọi là mổ sạch, thì chúng ta giảm được kháng sinh dự phòng. Chẳng hạn ở Singapore, một ca phẫu thuật thời gian nằm viện chỉ từ 2-3 ngày. Còn ở Việt Nam lâu hơn, khi nhiễm trùng thời gian nằm viện có thể rất dài, gây ra tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và nguy cơ tử vong rất cao. Nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả, thành công của y học hiện đại trong việc điều trị các bệnh về nhiễm trùng, bao gồm cả trong phẫu thuật lớn và hóa trị ung thư, sẽ có nguy cơ gia tăng.

PV: Từ năm 2013 Việt Nam đã có Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc, nhưng đến nay mức độ kiểm soát còn khiêm tốn. Theo ông là vì sao?

Tiến sĩ Cao Hưng Thái: Bộ Y tế đã hình thành hệ thống giám sát kháng kháng sinh tại 16 bệnh viện để giám sát thực trạng kháng kháng sinh. Đến nay chúng ta cũng chưa có con số thống kê kháng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời cũng chưa biết tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện, tỷ lệ tiêu trong cộng đồng và trong ngành nông nghiệp chăn nuôi là bao nhiêu. WHO đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội thu thập số liệu tiêu thụ thuốc kháng sinh trong bệnh viện, số tiêu thụ trong cộng đồng, số sử dụng trong nông nghiệp để phân tích, qua đó có các giải pháp cụ thể.

Phóng viên: Chúng ta đã có các giải pháp, trong đó là xử phạt các nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, nhưng thực tế vi phạm vẫn tràn lan. Phải chăng việc kiểm tra, xử lý còn hời hợt? Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này?

Tiến sĩ Cao Minh Thái: Các vi phạm về kê đơn kháng sinh không cần thiết, lạm dụng thuốc kháng sinh, dược sĩ bán thuốc kháng sinh không có đơn… được xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính chung. Bộ Y tế đã giao cho Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Đến nay chưa có số liệu tổng hợp báo cáo xử lý vi phạm, tuy nhiên qua khảo sát, những vi phạm thường xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh thuốc và cung ứng thuốc kháng sinh lớn.

Mức xử phạt với các hành vi vi phạm này không cao, chưa đủ sức răn đe, nếu chúng ta muốn làm mạnh hơn, cần phải có chế tài riêng. Ví dụ như cần có chế tài xử lý người cố tình bán thuốc không đơn, nhà thuốc cố tính vi phạm thì phải rút giấy phép… thì mới có tác dụng răn đe, nếu không họ vẫn vi phạm vì lợi ích lớn. Chưa kể cơ quan quản lý đi kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thì việc vi phạm vẫn có thể diễn ra.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt thì vấn đề quan trọng vẫn là nhận thức để thay đổi hành vi. Khi nhận thức đầy đủ thì bác sĩ sẽ hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cho người bệnh, người bệnh khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo y lệnh của thầy thuốc. Trong chăn nuôi, trồng trọt, các nhà doanh nghiệp cũng nhận thức được lợi bất cập hại, cái được cho mình, nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường, thì họ phải thay đổi hành vi.

Thêm vào đó chúng ta cũng cần có những quy định về pháp luật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị làm sao để nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo, tập huấn cho thầy thuốc chỉ định thuốc phù hợp. Nhiều thầy thuốc không phải vì lạm dụng đâu, nhưng có thể do năng lực chuyên môn, dẫn đến chuyện sử dụng kháng sinh không đúng. Hiện nay, bệnh viện công lập tuyến trung ương và tuyến tỉnh quản lý bác sĩ kê đơn thuốc tương đối tốt bằng phần mềm, giám sát bằng bệnh án, cơ bản kiểm soát chỉ định thuốc của thầy thuốc, làm giảm sử dụng kháng sinh không phù hợp. Nhưng để giải quyết được vấn đề, theo tôi cần một giải pháp đồng bộ, hy vọng trong tương lai có thể kiểm soát từng bước và kiểm soát tốt kháng kháng sinh ở Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.