Nuốt 5 viên thuốc còn trong vỏ, qua 2 ca mổ mới lấy được dị vật

Thứ Sáu, 26/01/2018, 09:03
Từ tiệm thuốc Tây về nhà, không rõ sơ ý thế nào, anh Dĩnh dốc tuột cả 5 viên thuốc vẫn còn trong vỉ uống. Cũng lạ là 4 viên trôi xuống dạ dày được, còn một viên mắc lại đâm vào thực quản.

Chiều 23-1, TS.BS Lâm Việt Trung, Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhân (BN) Đoàn Văn Dĩnh, có tiền sử dị ứng nhiều năm. Do bị ngứa khắp người nhưng hoàn cảnh quá nghèo, không có tiền đi viện, BN thường tự mua thuốc để uống. Lần này bị ngứa dị ứng, anh cũng mua. Người bán đã cắt 5 viên thuốc rời nhau, nhưng chưa bóc vỏ. 

Từ tiệm thuốc Tây về nhà, không rõ sơ ý thế nào, BN Dĩnh dốc tuột cả 5 viên thuốc vẫn còn trong vỉ uống. Cũng lạ là 4 viên trôi xuống dạ dày được, còn một viên mắc lại đâm vào thực quản.

Sau 1 ngày, BN thấy khó thở và sốt. Vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định phát hiện bị tắc ruột nên BV này đã tiến hành mổ cho bệnh nhân, thực hiện tách dính ruột. Nhưng sau mổ 3 ngày, BN vẫn đau ngực, sốt. Do đó, tiếp tục được chụp CT ngực, các bác sĩ phát hiện đã bị thủng thực quản. BV Đa khoa Bình Định đã chuyển gấp BN về BV Chợ Rẫy.

Tại đây, với sự phối hợp 3 chuyên khoa, các bác sĩ đã phát hiện và gắp được viên thuốc ra an toàn. Làm sạch ổ áp xe, hút dịch, mở thông trực tràng, nuôi ăn. Sau 6 ngày được chăm sóc tại BVChợ Rẫy, BN vẫn được theo dõi chặt chẽ.

Cũng theo BS Trung, bị tai nạn nuốt cả 5 viên thuốc còn vỉ như BN này thì rất hiếm. Tại khoa Ngoại tiêu hoá của BV Chợ Rẫy cũng thường tiếp nhận cấp cứu nội soi nhiều ca hóc dị vật như nuốt phải tăm khi đang ngậm, do ngủ quên; hay răng giả lọt vào thực quản khi đang ngủ; có người bị cả cây đinh lọt vào thực quản vì thói quen ngậm đinh khi làm việc; có trường hợp nuốt cả cây kim khi đang ngồi khâu, hay hóc xương cá, hóc xương gà.

Ngoài ra, khi nuốt trôi dị vật không có nghĩa là đã thông suốt. Vì khi qua họng, dị vật có thể bị mắc lại, gây bít tắc ở thực quản. Dị vật khi cắm phải thành thực quản, rất khó lấy, phải xác định, lấy ra an toàn cho bệnh nhân mới được thực hiện. Vết thủng có thể gây áp xe. Tạo ổ mủ không làm đúng chuyên môn có thể gây nhiễm trùng, rất nguy hiểm. 

Nếu dị vật đâm trúng mạch máu chủ mà hấp tấp thực hiện nội soi, rút dị vật ra, BN cũng có thể tử vong vì mất máu không kiểm soát.

H.Nga
.
.
.