Những hỗ trợ "vàng" trong cấp cứu thảm họa của ngành Y tế

Thứ Năm, 20/12/2018, 10:02
Áp lực "cứu người" đè nặng trên vai người thầy thuốc khi có bất cứ vụ tai nạn thảm hoạ nào xảy ra, vì khi ấy yêu cầu họ phải đạt được là làm sao cứu được các nạn nhân nhanh nhất, an toàn nhất. Những tình huống vô cùng nan giải mà người thầy thuốc trực tiếp bên cơ thể từng bệnh nhân khi ấy phải tự mình vượt qua một cách xuất sắc nhất đã được đúc rút trở thành những bài học kinh nghiệm "vàng" quí giá.


Vụ cháy Chung cư Carina - Tổng đài chỉ huy là tối quan trọng

Buổi toạ đàm với chủ đề rút kinh nghiệm trong công tác cứu hộ-cứu nạn, sau vụ cháy Chung cư Cariana đã diễn ra tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vào giữa tháng 6-2018 thu hút sự quan tâm của nhiều ban ngành tại TP HCM. Vụ cháy được xếp là nghiêm trọng thứ 2, sau vụ cháy Trung tâm Thương mại ITC vào năm 2002.

PGS.TS Trần Minh Trường-Phó GĐ BV Chợ Rẫy đã nhấn mạnh:" Chúng tôi rút ra một bài học kinh nghiệm hàng đầu trong cấp cứu thảm hoạ rằng: "Tổng đài chỉ huy là "tối" quan trọng" và đây chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất rút ra sau vụ cháy chung cư Carina".

Được biết, khi tiếp nhận thông tin vụ cháy, việc điều phối các xe cấp cứu tới hiện trường vụ cháy chung cư Carina do Trung tâm Cấp cứu 115-TP HCM cùng phối hợp các nơi đã hoàn tất mọi việc  chỉ sau 3 phút từ lúc nhận báo, ê kíp cấp cứu đầu tiên đã được cử tới hiện trường.

Xe cấp cứu 115 chở bệnh nhi bị thương trong vụ cháy chung cư Carina tới BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh

Đồng thời cử 6 trạm Cấp cứu vệ tinh lân cận như: BV Triều An, BV Nguyễn Tri Phương, BV Q.6, BV ĐK Sài Gòn, BV Q.8 trực tiếp tới hỗ trợ. Kíp 1 của Cấp cứu 115 tới là 1 h 55 phút đêm 23/3. Đoạn đường đi mất khoảng 12 phút. Ghi nhận, đám cháy từ hầm giữ xe còn đang cháy. Có nhiều khói, Cảnh sát 114 đang chữa cháy. Có nhiều người dân đang chạy ra và báo cáo là có 1 nạn nhân rơi từ lầu cao xuống đất.

Ngay sau đó, Trung tâm 115 điều động tiếp 2 xe cấp cứu hỗ trợ, thiết lập khu vực lọc bệnh,  sơ cứu và đưa BN về các BV. Trong đó, phân công BV Nguyễn Tri Phương trực tiếp tiếp nhận BN tử vong và cả BN bị thương.

Tại 2 mặt đường trước Chung cư Carina được bố trí xe cấp cứu của 6 đơn vị BV trên tiếp cận bệnh nhân. Vị trí cháy của chung cư Carina là tầng hầm lốc A và lốc B. Vị trí mặt trước lực lượng 114 túc trực chữa cháy.

Gần đó là khu vực lọc bệnh của y tế. số liệu ghi nhận : 13 ca tử vong tại hiện trường và 26 ca bị thương được đưa tới BV Q.6, tại BV Nguyễn Tri Phương là 11 ca; 1 ca tới BV Hùng Vương, 01 ca đưa tới BV Triều An; BV Nhi Đồng nhận 1 ca. Ghi nhận cũng có 1 số nạn nhân tự di chuyển tới Triều An, Nguyễn Tri Phương và BV Quốc tế City.

Công tác phối hợp cấp cứu của y tế tại hiện trường kéo dài từ 1 h 40 phút 23/3 tới 7 h sáng 24/3. Sự chuẩn bị cấp cứu đặt ra tình huống có thể điều động 40 xe và nếu tính trên toàn thành phố có thể điều động 100 xe cứu thương khi cần.

Trực tiếp tham gia trong cấp cứu vụ cháy tại Trung tâm Thương mại ITC( năm 2002), BS Phan Văn Nghiệm hiện nay là Phó GĐ BV Nguyễn Tri Phương lại rất coi trọng chuyện an toàn của người bác sĩ. Ông nói: "Nhân viên y tế phải an toàn, sau đó mới đi cứu bệnh nhân được.

Trong vụ ITC chúng tôi còn nhớ phải đợi cho khu vực hết nóng vì khi ấy môi trường trong khu nhà bị cháy đã lên hàng ngàn độ C thì giày có khi còn "mủn" ra. Nếu BS không biết, bước chân vào ngay chắc chắn sẽ bị thương, thì làm sao cứu được bệnh nhân?.

Thứ 2 là tâm lý của người bệnh khi bị tai nạn thường bị sốc nặng. Tim đập hỗn loạn, khó thở, ngạt khí CO một phần nhưng hồi hộp căng thẳng quá cũng gây tử vong đột ngột. Do đó, ổn định tâm lý tinh thần cho nạn nhân vô cùng quan trọng. Có hợp tác với BS, với lực lượng cứu nạn thì mới đưa được họ ra ngoài an toàn".

Nội soi phế quản và vai trò của khoa tâm lý trong cấp cứu tai nạn thảm hoạ

Đại diện khoa HSCC tích cực của BV Chợ Rẫy chia sẻ: Khoa này tiếp nhận 4 bệnh nhân trong vụ Carina. Trong đó có bệnh nhân điều trị dài ngày nhất là 54 ngày, một bệnh nhân nặng nhất là thiếu oxy, hôn mê, điều trị 26 ngày. Nguy hại nữa là BN này có vợ và con bị chết trong vụ cháy nên trong quá trình điều trị không thể để cho BN biết tình trạng gia đình để ổn định tâm lý.

Để tránh tình huống BN có hành động nông nổi, trong 13 ngày bệnh nhân nằm tại khoa HSCC sau đó là tại khoa Bệnh nhiệt đới đều được giám sát chặt. Tại đây ngay trên bệ cửa sổ của phòng cũng không để bất cứ vật gì nhọn, sắc, có tính sát thương đề phòng BN "nghĩ quẩn" có hành vi tự hại bản thân. Đồng thời cũng cho 2 BS tại BV Tâm thần TP. HCM tới hỗ trợ tâm lý hàng ngày.

Ngoài ra, việc nội soi phế quản cho tất cả bệnh nhân bỏng hô hấp trong tai nạn thảm hoạ cháy - nổ rất quan trọng, nên được làm ngay khi nhập viện. Các BV Đa khoa cần có khoa nội soi riêng cho trẻ em để tận dụng giờ vàng trong cấp cứu tổn thương bỏng hô hấp.

Thứ nữa, điều trị tâm lý với tất cả nạn nhân trong tai nạn cấp cứu thảm hoạ đồng thời phải chữa trị "tổn  thương Stress" cho chính cả BS và điều dưỡng trong quá trình chăm sóc những BN nặng. Có những điều dưỡng trong suốt quá trình chăm sóc BN nặng của vụ cháy chung cư Carina đã không ăn nổi cơm trưa.

"Số hoá" bệnh nhân  trong vụ cứu sống 12 nạn nhân bị sập hầm Đạ Dâng-Lâm Đồng

PGS.TS Trần Minh Trường-Phó GĐ BV Chợ Rẫy cho biết: Trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, chưa bao giờ chúng tôi tự hào và xúc động đến thế! Tự hào vì mình đã đóng góp được một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc cứu người đúng lúc nhất khi nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Y tế ”.

10 bác sĩ BV Chợ Rẫy được cử tới hiện trường tham gia cấp cứu. Tính chất nghiêm trọng của cuộc cứu người đòi hỏi họ không được phép xảy ra sai sót. Một Đề án cấp cứu được viết ngay trong đêm với phác đồ điều trị rõ ràng, phù hợp với các cấp độ bệnh nhân.

Trong đó, thống nhất quy trình cấp cứu cho nạn nhân khi cứu hộ thành công này là các bác sĩ đã thực hiện đeo cho mỗi nạn nhân 1 bảng số. Bảng này được chuẩn bị và mang theo từ BV Chợ Rẫy, theo thứ tự từ 1 tới 12 là số nạn nhân. Vì chỉ có cách “số hóa” bệnh nhân như vậy mới đáp ứng kịp cho khâu cấp cứu khẩn trương, không thể làm hồ sơ bệnh án như ở BV.

Nên từ việc gọi bệnh nhân, điều trị thuốc gì, theo dõi ra sao đều bằng con số. Những giây phút đặc biệt như vậy sẽ không thể nào quên với cuộc đời người bác sĩ. Họ sẽ nhớ mãi những giây phút hội hộp kiểm tra từng đường ống nhựa bên ngoài nối vào trong hầm dùng để cung cấp thức ăn, ô xy, dịch truyền  cho nạn nhân.

Nhờ có kinh nghiệm trong công tác cấp cứu sập nhịp cầu Cần Thơ trước đây, nhóm BS Chợ Rẫy đã mang theo dung dịch Nutriron Energy (có hàm lượng năng lượng rất cao: 1ml =1,5 Kcalo) là loại khoa hồi sức tích cực dùng nuôi ăn cho bệnh nhân nặng, giúp cơ thể chuyển hóa tốt.

Việc truyền dung dịch vào cho nạn nhân gặp biết bao trở ngại, dung dịch có nhiều dầu mỡ khi bơm qua ống quá nhỏ bị tắc nghẽn, họ đã tìm cách pha loãng với nước để dễ chuyển vào. Rồi việc cứu hộ bao giờ cũng phải ủ 2 chăn dạ cho mỗi BN, chuẩn bị từng bình dịch truyền đầy đủ.

“Thành công của việc cứu được 12 nạn nhân là tất cả mọi lực lượng tham gia đã phối hợp thật ăn ý, nhịp nhàng. Đây là nguyên tắc hàng đầu của việc cứu hộ, cứu nạn, để có được thành công chung tuyệt vời như vậy!” - BS Trần Minh Trường hồi tưởng lại bằng giọng nói còn như nguyên cảm xúc ngày nào...

Huyền Nga
.
.
.