Nhờ BS Việt Nam, một bệnh nhân Campuchia trở về từ cõi chết

Thứ Tư, 03/02/2016, 14:17
Chiều 3-2, các BS Khoa Hồi sức - Phẫu thuật Tim Mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh (CRPP) cho biết, các BS vừa ứng dụng thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim, cứu sống 1 bệnh nhân nữ tên Sout Phun (64 tuổi, người Campuchia, trú tại tỉnh Battambang). 

Bệnh nhân này được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện CRPP trong tình trạng lơ mơ, không nói được, đồng thời đã bị liệt nửa người bên phải. Trước tình trạng nguy cấp, ê kíp các BS đã thực hiện thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết như : ECG, chụp CT Scan đầu…

Cuộc hội chẩn khẩn ngay sau đó đã xác định bệnh nhân bị đột quị mà nguyên nhân chính là do bị rung nhĩ, hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm, rất nguy hiểm. Bệnh lý khiến nhịp tim bệnh nhân chậm 30-40 lần/phút.

BS CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc chuyên môn bệnh viện CRPP cho biết, sau khi tiến hành hội chẩn với các chuyên gia đến từ bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, các BS đã quyết định ứng dụng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân được thực hiện trong 1h30' đã thành công.

Tình trạng bệnh cho thấy, nếu không tiến hành đặt máy tạo nhịp tim kịp thời thì có thể bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu não nặng hơn, các triệu chứng nặng nề hơn thậm chí có thể ngưng tim do nhịp tim chậm.

Trong thời gian chuẩn bị, các BS đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, làm các xét nghiệm tiền phẫu cần thiết, sau đó bệnh nhân tiếp tục được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn dưới sự phối hợp của các chuyên gia phẫu thuật tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh và các BS Campuchia.

Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn gồm một điện cực đặt vào tim, còn máy tạo nhịp được đặt dưới ngực có tác dụng giám sát, theo dõi sát sao nhịp tim bệnh nhân. Cũng theo BS Thức, đây cũng là trường hợp đầu tiên người dân Campuchia được thực hiện ứng dụng kỹ thuật này.

Kỹ thuật được triển khai sẽ đem lại thêm nhiều cơ hội sống cho các  bệnh nhân Campuchia khi bị mắc bệnh rối loạn nhịp tim.

Các trường hợp có chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tại Campuchia trước đây đều phải sang Việt Nam hoặc Thái Lan để điều trị. Trường hợp bệnh nhân trên cũng do được phát hiện trễ nên bệnh đã tiến triển, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng liệt nửa người.

Nhưng rất may, sau khi được phẫu thuật thành công, hiện bệnh nhân đã ổn định. Sau đó sẽ phải tái khám đều đặn, đồng thời các BS cho bệnh nhân tập Vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cơ thể bên phải bị liệt trước đó.

Được biết, chi phí riêng cho mua máy đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn khoảng 50 triệu đồng, và có tuổi thọ từ 8-10 năm. Nhờ ứng dụng thực hiện phẫu thuật này ngay tại bệnh viện CRPP, sẽ giúp các bệnh nhân trong nước không phải sang nước ngoài điều trị, giảm chi phí hơn khoảng 20-30%... 

Huyền Nga
.
.
.