Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 2016 (1-12):

Nhiều thách thức khi quốc tế kết thúc tài trợ cho Việt Nam

Chủ Nhật, 27/11/2016, 08:26
Đại dịch HIV/AIDS luôn là nỗi ám ảnh bởi nguy cơ lây nhiễm thường trực khiến việc tái bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguồn tài trợ kết thúc vào năm 2017 sẽ đặt ra nhiều thách thức trong việc ngăn chặn dịch HIV/AIDS ở Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

PV: Những năm qua, Việt Nam đã rất tích cực trong việc ngăn chặn dịch HIV/AIDS. Số người mắc có giảm như mong muốn không thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Hiện số người nhiễm HIV trong cả nước là 215.621, trong đó có 88.868 người ở giai đoạn AIDS và 89.412 đã tử vong. Riêng 10 tháng qua, cả nước đã phát hiện thêm 8.059 người nhiễm HIV.

 Trong số này, 69,8% là nam giới, 30,2% là nữ giới, lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, lây nhiễm qua đường máu 34%, mẹ truyền sang con 2%, còn lại không rõ nguyên nhân. Số người xét nghiệm HIV phát hiện mới có giảm, nhưng mức độ không đáng kể. Dịch HIV/AIDS vẫn đang cao ở mức đáng báo động tại hầu hết các tỉnh.

Theo Bộ Công an, đến tháng 6-2015, cả nước có 204.377 người nghiện, tăng 12,1% so với năm 2013. Tiêm chích ma túy liên quan đến khoảng 60% số người nhiễm HIV ở Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy lên đến 20%, cao gấp 70 lần so với tỷ lệ chung.

Đáng lưu ý là trước đây, đường lây truyền HIV/AIDS tại Việt Nam từ tiêm chích là chính, nay chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Những người nhiễm HIV mới không còn tập trung ở nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước mà xảy ra trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy.

Ngoài ra, có yếu tố nguy cơ mới làm lây truyền HIV trong sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ và phụ nữ bán dâm, dẫn đến tăng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ, và mại dâm nam, gồm nam bán dâm cho nam đồng tính, người chuyển giới nữ.

TS. Nguyễn Hoàng Long.

PV: Như vậy là vẫn đang có rất nhiều thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế thì đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam...

Bên cạnh đó, bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế bị cắt. Điều trị Methadone mới chỉ đạt được 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận.

Dự kiến từ năm 2017, các tổ chức quốc tế sẽ giảm nhanh việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và nếu còn, chủ yếu hỗ trợ chúng ta về kỹ thuật. Do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn cao, gây cản trở cho những người có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...

PV: Chúng ta đã chuẩn bị các giải pháp gì để thay thế cho nguồn tài trợ quốc tế?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Việc nguồn tài trợ sẽ kết thúc vào năm 2017 đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang hệ thống điều trị thanh toán qua BHYT. Nhưng hiện tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT còn rất thấp.

Để ký kết hợp đồng với BHXH để chi trả qua quỹ BHYT, các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn. Song việc này ở các địa phương rất chậm, đến tháng 6-2016, vẫn còn 64% cơ sở đang kiện toàn, làm ảnh hưởng đến mục tiêu 100% cơ sở điều trị có thể thanh toán điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân qua BHYT từ tháng 1-2017.

PV: Vì sao Chính phủ lại chọn BHYT là giải pháp thay thế chính cho điều trị HIV/AIDS khi nguồn lực quốc tế cắt giảm thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: BHYT là một chủ trương, chính sách về an sinh xã hội quan trọng nhất với người dân. Người nhiễm HIV cũng cần được hưởng các chính sách của nhà nước về BHYT như mọi công dân. Họ có thể mắc các bệnh khác ngoài HIV, thậm chí tỉ lệ mắc nhiều bệnh cao hơn, do ảnh hưởng của HIV/AIDS và tác dụng phụ của thuốc nên cần được chăm sóc toàn diện qua BHYT.

Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS là người nghèo, sức khoẻ yếu và việc làm không ổn định nên BHYT là cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng cho họ khi ốm đau bệnh tật. Người nhiễm HIV nếu được điều trị bằng thuốc ARV thì tuổi thọ có thể gần như người bình thường nên BHYT là nguồn bảo đảm bền vững cho họ.

Hiện BHYT đã thông tuyến huyện, tuyến xã nên người nhiễm HIV dễ dàng được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, kể cả điều trị ARV tại tuyến huyện, nhận thuốc ARV tại tuyến xã, phường.

PV: Kế hoạch thanh toán chi phí điều trị cho người nhiễm HIV thông qua BHYT ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT chỉ đạt khoảng 40%, bằng 1/2 so với tỷ lệ có thẻ BHYT chung của cả nước là 79%. Điều này là do lâu nay người nhiễm HIV được cấp thuốc miễn phí từ nguồn tài trợ nên chưa quan tâm đến vấn đề BHYT. Hơn nữa, người nhiễm HIV thường kinh tế khó khăn, không có tiền mua thẻ BHYT.

Nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, nơi cư trú không ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước, kể cả là người nghèo. Nhiều người lo sợ nếu tham gia BHYT sẽ bị phát hiện và bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Khi viện trợ cắt giảm, Bộ Y tế cũng coi BHYT là nguồn tài chính cơ bản và bền vững để điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.