Kỹ thuật mới để các gia đình hiếm muộn thêm hạnh phúc trọn vẹn

Thứ Bảy, 18/08/2018, 19:25
Không chỉ mang lại hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn, 6 năm qua, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để các gia đình thêm hạnh phúc trọn vẹn. Đó là một trong nội dung quan trọng của hội thảo về vấn đề hiếm muộn tổ chức tại Hà Nội ngày 18-8 với sự tham dự của nhiều chuyên gia hỗ trợ sinh sản trong cả nước.


Một câu chuyện khá đau lòng được đưa ra tại hội thảo: Sau 6 năm chờ đợi với nhiều lần đi làm thụ tinh nhân tạo, vợ chồng anh Trương Văn Kiên (xã Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An) vô cùng vui mừng đón cặp sinh đôi ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Nhưng chưa kịp mừng, anh chị đã phải rơi nước mắt vì nỗi đau khôn tả khi một bé bị đa dị tật hệ tiêu hóa, suy dinh dưỡng nặng và có hội chứng bệnh down.

“Nỗi đau này sẽ tránh được nếu trong quá trình TTTON, việc sàng lọc trước sinh được tiến hành khoa học.” - Ths. Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết.

Vì thế, chia sẻ về “Giải pháp di truyền cho hỗ trợ sinh sản - nâng cao chất lượng phôi chuyển và sàng lọc trước sinh” của Ths. Nguyễn Quang Vinh đã mang đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn sự yên tâm về những đứa con ra đời khỏe mạnh. Ths. Vinh cho biết, đã có trường hợp cả bố và mẹ đều mắc Thalassemia, nhưng nhờ được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sàng lọc mà khi sinh con ra, cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh di truyền của bố mẹ. 

GS.TS. Đỗ Trọng Hiếu 

Bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ trong TTTON, giúp cho việc chẩn đoán các bất thường nhiễm sắc thể, hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể, trong đó có Thalassemia -một trong các bệnh để lại hậu quả rất nặng nề cho giống nòi và đời sống của người bệnh.

“Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.”- Ths. Vinh thông tin.

Ths. Nguyễn Minh Đức – Trưởng Labo cũng cho biết kỹ thuật nuôi phôi hiện đại mà Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đang áp dụng là nuôi phôi ngày 5, tức phôi nang vì hiệu quả vượt trội so với việc nuôi phôi ngày 2 hoặc 3. Kỹ thuật này giúp người mẹ hiếm muộn có cơ hội mang thai sau chuyển phôi cao, ít bị sảy thai, do phôi được chọn lọc kỹ hơn. Chuyển phôi ngày 5 cũng giúp hạn chế khả năng đa thai vì mỗi lần chuyển phôi ngày 5, bác sĩ sẽ chỉ chuyển 1 -2 phôi. Nuôi phôi ngày 5 kết hợp sàng lọc di truyền tiền làm tổ giúp loại bỏ nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh, tăng cơ hội có con khỏe mạnh cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Các gia đình hiếm muộn đặc biệt giao lưu tại hội thảo

Một trong những kỹ thuật hiện đại trong điều trị vô sinh nam cũng được Ths.Bs Đinh Hữu Việt mang đến, là kỹ thuật micro TESE. Đây là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Tinh trùng thu được từ micro TESE cho kết quả có con tương đương với TTTON bằng tinh trùng trong tinh dịch. “Micro TESE đã mở rộng chân trời điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô tinh có thể có con của chính mình - điều mà trước đây không thể thực hiện được.” - Ths.Bs Đinh Hữu Việt vui mừng thông báo.

Niềm hạnh phúc sau nhiều năm hiếm muộn

Trao đổi với chúng tôi, vợ chồng anh chị Phạm Thị Phượng – Lý Chí Thanh cho biết đã sinh 1 con trai nhờ Micro TESE. Còn gia đình chị Dương Phương Linh rất hạnh phúc khi đã có được một đứa con khoẻ mạnh nhờ sàng lọc trong quá trình TTTON, dù chị bị mắc Thelassemia. Vợ chồng anh Kiều Tiến Cử - Nguyễn Thanh Huyền mang theo 2 cháu nhỏ cùng câu chuyện đầy cảm động của họ về hành trình hơn 10 năm “tìm con” đã bị thất bại nhiều lần, nhưng đến năm 2017 họ đã có được 2 “công chúa” như mong ước. Đó chỉ là một vài người trong hàng ngàn ca khó mà Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã điều trị thành công, minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện.

BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Những ca hiếm muộn rất phức tạp và khó khăn, tưởng chừng vô vọng nhưng cuối cùng vẫn thành công, là niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi. Hy vọng trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp ngày càng nhiều cặp vợ chồng có được đứa con mơ ước, dù hành trình này vốn khá cam go".

Sau hai tuần diễn ra “Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018” -một hoạt động thường niên nhằm tiếp sức cho các cặp vợ chồng trong việc điều trị hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tiếp nhận gần 2.000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Tất cả các cặp vợ chồng đến khám mới trong thời gian này và có nhu cầu thực hiện TTTON đều được Bệnh viện hỗ trợ trực tiếp 5.000.000 đồng/1 ca.


Thanh Hằng
.
.
.