Nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng của ngành Y tế phản ánh sai sự thật

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:53
Đã có trên 100.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của ngành Y tế trong hơn một năm qua và nhiều trường hợp đã được xử lý, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, thời gian gần đây, lại nổi lên một vấn đề khá nghiêm trọng, là nhiều người đã lợi dụng tinh thần cầu thị của ngành Y tế để phản ánh sai sự thật.

Điều này không chỉ gây phiền toái và mất thời gian cho các cán bộ liên quan trong công tác điều tra, xác minh, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Thông tin này đã được Bộ Y tế xác nhận vào ngày 30/3.

Trước sự bức xúc của dư luận về chất lượng KCB cũng như hiện tượng “vòi vĩnh” bệnh nhân của một số cán bộ y tế, năm 2014, Bộ Y tế đã tái lập đường dây nóng, nhằm nâng cao chất lượng KCB, giảm thiểu những rủi ro xảy ra do lỗi tắc trách của cán bộ y tế. 

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB thì các nội dung phản ánh ở đường dây nóng khá phong phú: Tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế; thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh, quy trình chuyên môn, viện phí và thủ tục KCB bảo hiểm y tế, những biểu hiện tiêu cực, vòi vĩnh của nhân viên y tế v.v… Bên cạnh đó, nhiều người đã phản ánh sự nhiệt tình, tận tụy trong chăm sóc bệnh nhân của các thầy thuốc. 

Từ những phản ánh qua đường dây nóng, ngành Y tế đã xử lý nhiều trường hợp, trong đó, gần 7.000 cán bộ bị nhắc nhở, 137 cán bộ bị khiển trách, 116 cán bộ bị cắt thi đua, 18 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác, 6 cán bộ bị cách chức và 4 cán bộ bị nghỉ việc. 

Ngoài ra, từ các phản ánh đến đường dây nóng, các đơn vị đã tổ chức khen thưởng cho 229 tập thể, cá nhân vì hết lòng phục vụ người bệnh, đồng thời, trên 1.400 đơn vị đã nghiên cứu cải tiến quy trình KCB, cải thiện cơ sở vật chất.

Rõ ràng, đường dây nóng không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân, mà còn là công cụ giám sát hữu hiệu để cán bộ y tế có ý thức hơn trong quá trình hành nghề, giúp các Sở Y tế và các bệnh viện có kênh thông tin hữu hiệu và nhanh nhất nắm bắt những vấn đề cần xử lý, ngày càng nâng cao chất lượng KCB.
Đường dây nóng góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo đại diện Văn phòng Bộ Y tế, cũng có khá nhiều cuộc gọi đến phản ánh không đúng sự thật: Ngày 16/1/2015, đường dây nóng của Bộ Y tế tiếp nhận một cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thờ ơ, không hỏi han, khi người dân đưa con tới đây tiêm, thậm chí có nhân viên còn tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân. Khi Sở Y tế Hải Phòng liên hệ lại với số điện thoại đã gọi đến đường dây nóng, thì lúc người chủ số máy nói đang bận, lúc thì bảo nhầm máy và cuối cùng là tắt máy.

Trước đó, ngày 15/1/2015, có một cuộc gọi phản ánh: trong quá trình sản phụ Hạnh chờ sinh nở tại Bệnh viện Đa khoa (BV ĐK) Cần Thơ, gia đình sản phụ phải bồi dưỡng 500 ngàn đồng đến 1 triệu thì mới được chăm sóc cẩn thận, khiến gia đình rất bức xúc. 

Sở Y tế TP Cần Thơ lập tức liên hệ với gia đình chị Hạnh và được biết gia đình không hề phản ánh nội dung trên, mà còn bày tỏ lòng biết ơn với các y bác sỹ vì đã chăm sóc tận tình cho mẹ con chị. Khi Sở Y tế liên hệ lại với số điện thoại đã gọi đến đường dây nóng thì được biết đó là số điện thoại của một người bán hoa quả trên ghe tàu và người này phủ nhận phản ánh nội dung trên.

Một cuộc gọi khác đến đường dây nóng vào ngày 17/1/2015 phản ánh sản phụ Đinh Thị Hoài đến sinh con tại BV ĐK Tam Điệp (Ninh Bình) và bị một bác sỹ đòi bồi dưỡng 600.000 đồng cho kíp hộ sinh. Sau khi kiểm tra, rà soát danh sách các sản phụ đến sinh tại BV ĐK Tam Điệp trong vòng hơn 10 ngày gần nhất với thời gian cuộc gọi phản ánh thì không có sản phụ nào có tên như trên đến sinh con. 

Sở Y tế Ninh Bình đã liên lạc với số máy đã gọi tới đường dây nóng thì được biết, chủ nhân số điện thoại là thợ xây đang làm việc tại Hà Nội và ngày 17/1 có đến BV thăm người nhà, khi ngồi ở hành lang nghe đồn như vậy nên đã gọi điện đến đường dây nóng.

Mới đây, đường dây nóng lại nhận được thông tin của bệnh nhân Nguyễn Thị Trang cho biết thái độ của các y bác sỹ Khoa phẫu thuật mạch máu (BV Chợ Rẫy) đã không quan tâm chăm sóc bệnh nhân. BV Chợ Rẫy đã tiến hành điều tra sự việc và được biết: 

Ngày 21/2/2015, bệnh nhân Nguyễn Thị Trang nhập viện trong tình trạng rất nặng (vỡ phình động mạch chủ bụng) và phải mổ. Người nhà bệnh nhân chỉ nộp tạm ứng viện phí 2 triệu đồng, trong khi ca mổ dự kiến chi phí từ 20 - 25 triệu đồng, nhưng các bác sỹ vẫn tiến hành phẫu thuật bình thường. Sau đó, cùng với việc điều trị, các bác sỹ đề nghị gia đình đóng nốt viện phí còn thiếu. Gia đình hứa hẹn đóng tiền nhưng sau 15 ngày nằm tại BV, ngày 6/3, gia đình đã đưa bệnh nhân trốn về mà không thanh toán nốt viện phí.

Với những gì đã diễn ra, thiết nghĩ, cũng cần có chế tài xử lý, để chấm dứt việc lợi dụng đường dây nóng phản ánh thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến rất nhiều cấp, nhiều người, khi phải cùng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Thanh Hằng
.
.
.