Nhiều “chiêu trò” chống lại việc ngăn ngừa bệnh tật do thuốc lá

Thứ Bảy, 05/05/2018, 18:12
Mỗi điếu thuốc lá có tới 69 chất gây ung thư như Nitrosamines được tìm thấy trong khói của dầu khí và thuốc trừ sâu; Ammonia sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và các sản phẩm tẩy rửa; Formaldehyde là dung dịch dùng trong ướp xác, là chất gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc; Benzene gây biến đổi tế bào, sinh ung thư vv… Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc. Một kết quả điều tra tại Bệnh viện K cho thấy số bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%.


Đây là những thông tin được Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tại hội thảo “Thúc đẩy giám sát và truyền thông Phòng chống tác hại của thuốc lá” do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) tổ chức tại Hà Nội từ 3 đến 5-5.

Bất chấp những cảnh báo về bệnh tật và chết chóc, số người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất nhiều. Trong khi đó, ngành công nghiệp thuốc lá (CNTL) lại có nhiều “chiêu trò” để dụ nhiều người sử dụng thuốc lá, chống lại những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thuốc lá mà Chính phủ cùng ngành y tế đang tiến hành.

TS. BS. Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng “tố cáo” những chiến lược của ngành CNTL Việt Nam. Đó là đưa ra các thông tin sai sự thật như cho rằng CNTL có “nhiều đóng góp cho nền kinh tế” và “xóa đói giảm nghèo”, trong khi đóng góp từ thuế thuốc lá rất nhỏ so với số tiền phải chi cho hậu quả của thuốc lá và còn các hộ nghèo tiêu tốn tới 5% thu nhập gia đình cho thuốc lá, nhiều gấp 1,6 lần so với chăm sóc sức khỏe.

BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức Healthbridge Canada tại việt Namcho biết, 11,3% hộ gia đình hút thuốc lá nghèo sẽ  thoát nghèo nếu số tiền chi cho thuốc lá dùng cho thực phẩm.

Các doanh nghiệp thuốc lá cũng thường đóng vai nạn nhân như kêu ca thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế suất quá cao, trong khi thuế thuốc lá ở Việt Nam gần như đứng cuối bảng so với các nước trong ASEAN và chưa bằng 50% của Thái Lan.

96,8% số bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá

 Cũng theo TS. Tuấn, các doanh nghiệp thuốc lá đã sử dụng bằng chứng ngụy khoa học như sử dụng báo cáo của ITIC để nhấn mạnh Việt Nam là thị trường lớn thứ hai của thuốc lá lậu ở châu Á; giải thích sai các ví dụ tăng thuế ở Canada, Singapore, Ireland, Malaysia và Slovakia, đặc biệt mô tả vòng luẩn quẩn của tăng thuế sẽ làm gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá, gây thất thu ngân sách mà mục tiêu y tế công cộng không đạt được, để ngăn chặn luật tăng thuế thuốc lá.

GS. Frank Chaloupka (Đại học Illinois, Hoa Kỳ) chỉ ra: Sự thật là báo cáo ITIC vi phạm đạo đức nghiên cứu khi được tài trợ bởi Phillip Morris với các dữ liệu đầu vào và các cuộc điều tra đều do các công ty thuốc lá cung cấp.

 TS. BS. Trần Tuấn cũng cho biết những rào cản trong việc kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam khi các cán bộ quản lý cao cấp ngành CNTL lại giữ các vị trí quan trọng trong Bộ Công thương, nên họ có nhiều cơ hội tác động tới vấn đề kiểm soát thuốc lá như trong quá trình xây dựng chính sách, hoặc sử dụng vị trí là “đối tác” để góp ý dự thảo Luật. 

Đại diện ngành CNTL từng được phép tham gia vào các đoàn đàm phán FCTC và đoàn Việt Nam đã không ủng hộ các nội dung mạnh về kiểm soát buôn lậu do các nước thành viên đề xuất. Hay trong hội nghị các nước thành viên thực thi FCTC-  COP 6 (2014), đại diện Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tham gia phái đoàn Việt nam với tư cách phiên dịch viên và Việt Nam là một trong số 3 /175 quốc gia tham dự không ủng hộ thông qua hướng dẫn điều 6 và đã bị các tổ chức xã hội dân sự là quan sát viên của COP phê phán nặng nề.

Đáng lưu ý là ngành CNTL Việt Nam còn truyền thông tạo nhận thức ngược chiều về tác hại của thuốc lá như tuyên truyền thuốc lá có lợi cho sức khỏe, phản bác các bằng chứng khoa học về tác hại của thuốc lá. “Sự thật là ngành CNTL mua chuộc các nhà khoa học, tạo bằng chứng giả. 5/6 nhà khoa học đưa ra những tuyên bố về lợi ích của thuốc lá từng được liệt vào danh sách những nhà khoa học bị phát hiện nhận tài trợ hay bị ngành CNTL mua chuộc.”- Ông Tuấn lưu ý.

BS. Phạm Thị Hoàng Anh cho biết thêm, chỉ số can thiệp của ngành CNTL tại Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Đó là việc ngành CNTL tham gia vào xây dựng chính sách liên quan phòng chống tác hại của thuốc lá; luân chuyển cán bộ cao cấp giữa ngành CNTL và các cơ quan quản lý nhà nước là mâu thuẫn lợi ích. 

Vì thế, đề nghị không bố trí cán bộ nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá và ngược lại. Xem xét tiến tới cấm hoàn toàn các hoạt động “trách nhiệm xã hội” của các công ty thuốc lá; không nhận tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá. Các doanh nghiệp thuốc lá phải công khai báo cáo hoạt động thực tế để được theo dõi, giám sát.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh cũng đề nghị các cơ quan truyền thông cần nhận thức rõ rằng, ngành CNTL không thể ngang hàng các ngành công nghiệp khác, đồng thời, tăng cường tham gia vào quá trình giám sát và truyền thông giảm sự can thiệp của các công ty thuốc lá. Các cơ quan, đơn vị không nhận tài trợ của các doanh nghiệp thuốc lá, không hợp tác quảng cáo, quảng bá thuốc lá dưới mọi hình thức.” – Bà Hoàng Anh nhấn mạnh.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhất trí phải tăng thuế thuốc lá để kiểm soát việc sử dụng thuốc lá, giảm bệnh tật cho người dân, tăng  nguồn thu cho Chính phủ. Khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở  trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.



Thanh Hằng
.
.
.