Nhiều biến chứng nguy hiểm khi nuốt xương cá

Thứ Bảy, 11/05/2019, 10:42
Nếu không cẩn thận khi ăn nuốt luôn xương cá, dù kích thước nhỏ cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm. 

Hầu hết người Việt, cá là món ăn khoái khẩu. Với cách chế biến đa dạng, như: kho, nướng, lẩu, canh chua… là những món ăn đặc sản khắp 3 miền đất nước. Cá không chỉ cung cấp chất đạm, các vi lượng, mà còn giúp người ăn thấy ngon miệng. Tuy nhiên, không cẩn thận khi ăn nuốt phải xương cá, dù kích thước nhỏ cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Thời gian, các bác sĩ (BS) Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viên Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ liên tiếp xử trí cấp cứu những trường hợp bệnh nhân ăn cá nuốt xương gây biến chứng thủng đường tiêu hóa phải phẫu thuật. 

BS La Văn Phú, thăm khám cho bệnh nhân bị xương cá đâm thủng đường tiêu hóa. 

Cụ thể, trưa 10-5, bệnh nhân L.P.T. (SN 1986, quê ở Đồng Tháp), đến khám vì đau nhức vùng hậu môn dữ dội. Theo anh T., trước đó 10 ngày có mua đầu cá hồi về nấu ăn. Vài ngày sau cảm thấy đau hậu môn, tự mua thuốc uống, tình trạng đau lúc giảm lúc tăng. 

Đến chiều 9-5, hậu môn đau dữ dội tưởng bị bệnh trĩ nên anh T. sang Cần Thơ khám. Qua thăm khám và soi hậu môn các BS phát hiện mảnh xương cá 5mm đâm xuyên thủng thành hậu môn, gây áp xe. 

Sau khi gắp mảnh xương ra bệnh nhân gần như hết đau. Đây là trường hợp may mắn xương đi xuống tới ống hậu môn mới gây biến chứng nân các BS nội soi gắp ra mà bệnh nhân không phải phẫu thuật. 

Mảnh xương cá mắc trong ống hậu môn một bệnh nhân được các BS lấy ra. 

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.V.Th. (SN 1988, quê huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), nhập viện ngày 8-5 cũng lý do đau bụng bên hông phải nhiều. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu cùng ngày với chẩn đoán viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa vỡ. Tuy nhiên khi nội soi vào ổ bụng phát hiện 1 xương cá dài 20mm đâm xuyên thủng hồi tràng 9 đoạn cuối ruột non gây viêm phúc mạc. Các BS tiến hành gắp xương, khâu lỗ thủng ruột non, rửa và dẫn lưu ổ bụng. 

Đây cũng là trường hợp khá may mắn vì tất cả các công đoạn đều được các BS thực hiện qua nội soi. Sau phẫu thuật bệnh nhân Th. cho biết, hơn một tuần trước khi nhập viện gia đình có mua 2 đầu cá tra về làm lẩu ăn. Sau khi ăn cơ thể vẫn bình thường cho đến tối trước ngày nhập viện thấy đau bụng liên tục ngày càng tăng nên đi khám.

BS La Văn Phú khuyến cáo mọi người khi ăn cá phải hết sức cẩn thận, nhất là người già và trẻ em. 

Bệnh nhân hứ 3 là cụ bà Trần Thị D. (SN 1946, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), trước nhập viện mấy ngày cụ thấy đau âm ỉ vùng hông trái. Sau khi thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và chụp cắt lớp ổ bụng các BS chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe hông trái nghi do xương cá đâm. 

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngày 4-5, qua nội soi ổ bụng các BS phát hiện bệnh nhân bị áp xe hông trái do xương cá đâm thủng đại tràng gây ra. Tuy nhiên, bệnh nhân bị khá lâu ngày và thủng đại tràng nên không thể xử lý qua nội soi mà phải chuyển mổ hở một đường dài gần 20cm. Đây là trường hợp nặng nhất. 

Qua tìm hiệu cụ bà cho hay, trước nhập viện hơn 2 tuần người nhà có mua cá điêu hồng về nấu ăn, có lẽ do cụ không còn răng nên nhai không kỹ đã nuốt luôn cả xương nên gây biến chứng. 

Mảnh xương cá ngát sắc như dao được các BS lấy ra khỏi người một bệnh nhân. 

Theo BSCK2 La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK TP Cần Thơ, biến chứng thường gặp nhất khi không may nuốt phải xương cá là mắc xương ở vùng họng – thanh quản. Trường hợp này thường được các BS chuyên khoa tai mũi họng nội soi gắp xương ra. 

Nếu xương qua được chỗ này có thể đâm thủng gây biến chứng ở những phần dưới của ống tiêu hóa, như: thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và ống hậu môn. Nếu xương đâm thủng thực quản sẽ gây áp xe trung thất, đây là một biến chứng nguy hiểm nhất, nguy cơ tử vong rất cao. 

Nếu xương đi xuống đâm thủng dạ dày, ruột non, ruột già sẽ gây biến chứng viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể. Đây cũng là những biến chứng nặng và thường phải phẫu thuật mới giữ được mạng sống. 

“Để tránh những biến chứng đáng tiếc như các trường hợp trên, khi ăn cá chúng ta phải hết sức cẩn thận, nhai kỹ. Khi phát hiện có xương thì phải loại bỏ ngay lập tức đừng cố nuốt vào rất nguy hiểm. Khi cho trẻ em và người già ăn cá chúng ta phải loại bỏ hết xương trước khi ăn”, BS Phú khuyến cáo.  

Văn Đức
.
.
.