Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong dịp Tết

Thứ Sáu, 06/02/2015, 09:15
Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, ngày 5/2, tại Hà Nội, lần đầu tiên, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu và hàng ngàn cán bộ y tế trên toàn quốc, để đánh giá tình hình thực tế và bàn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, khi biên giới đã xuất hiện các trường hợp mắc cúm A (H7N9, H5N1…). Vì thế, các cơ sở điều trị, đặc biệt là các khoa nhi, hô hấp phải có các biện pháp chủ động điều trị và nghiêm túc rút kinh nghiệm từ bài học của BV Nhi TƯ trong công tác phân loại bệnh nhân, phòng chống nhiễm khuẩn trong công tác điều trị. Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bố trí đủ các kíp  cấp cứu, đủ thuốc, máu, dịch truyền phục vụ nhân dân, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc.

Để đảm bảo công tác y tế dịp Tết Ất Mùi, tuyệt đối không được để quá tải ùn tắc tại các bệnh viện (BV), đồng thời, chẩn đoán sớm, cách ly tránh nhiễm trùng chéo là nhiệm vụ kiên quyết với các BV. Hiện đã xuất hiện nhiều mặt hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, nên cũng phải thông tin rộng rãi vấn đề ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Để phòng dịch, ngành Y tế phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, tránh tình trạng nhiều trẻ không được tiêm phòng sởi như trong dịch sởi đầu năm 2014. Vấn đề an toàn tiêm chủng được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm: “Những cán bộ chưa được tập huấn tiêm chủng kiên quyết không được thực hiện tiêm chủng, kể cả Trạm trưởng, nhằm tránh sai sót trong tiêm chủng như đã xảy ra. Các đơn vị phải chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, cùng đồng hành giữa báo chí, người nhà để giải quyết các sự việc, tránh kiện tụng làm giảm uy tín của ngành y.”

Dịch sởi bùng phát 4/2014 đã khiến hàng chục ngàn người mắc và gần 150 trẻ tử vong là bài học sâu sắc của ngành Y tế.

Bộ Y tế cũng nhận định nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam rất lớn, do dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, nhất là đã xuất hiện ở một số tỉnh gần biên giới Việt Nam. Vấn đề ATTP, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết, khi hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân gia tăng trong dịp Tết, mùa lễ hội.

Trước nguy cơ về dịch bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo các BV tuyệt đối không để bệnh nhân vào viện mà không được tiếp đón, Cục quản lý KCB đã đưa ra các giải pháp cho công tác điều trị trong dịp Tết. Theo đó, các BV vệ tinh thực hiện tốt việc tiếp nhận, điều trị BN trên địa bàn, tuyên truyền tốt, tránh chuyển viện không cần thiết, đặc biệt là với nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại, cùng các dịch ho gà, cúm gia cầm và một số bệnh viêm đường hô hấp.

Các BV tuyến cuối tăng cường công tác nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn mắc phải trong BV; tăng cường công tác điều trị tích cực, hạn chế tối đa tử vong do dịch xảy ra; không để người bệnh thiếu thuốc, vật tư, máu, dịch truyền; bố trí cơ số giường cách ly khi cần thiết. Các BV còn phải bố trí thường trực ngoại viện, sẵn sàng đáp ứng cấp cứu, tai nạn hàng loạt do hoả hoạn, pháo nổ, chất nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng, ngộ độc thực phẩm, đám đông chen lấn, giẫm đạp...

Thanh Hằng
.
.
.