Người tiêu dùng có vai trò không nhỏ để “xóa” cà phê không an toàn

Thứ Ba, 16/08/2016, 18:16
Theo PGS.TS. Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (ATTP), có vẻ như có sự nhầm lẫn về khái niệm giữa “cà phê trộn” và “cà phê không an toàn”.


PGS.TS. Trần Quang Trung cho rằng: Cần khẳng định cà phê “không an toàn” là cà phê không an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm, như quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh và nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn. Các nguyên liệu sử dụng cho cà phê có thể bị nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng và các chỉ tiêu vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép hoặc chứa các phụ gia không được phép sử dụng. 

Còn cà phê trộn hay còn gọi là cà phê hỗn hợp là loại cà phê có thành phần bao gồm cà phê nguyên chất được trộn với các loại nguyên liệu không gây hại, sử dụng chất phụ gia trong danh mục cho phép. 

Vì vậy, không thể khẳng định tất cả cà phê trộn đều là cà phê không an toàn. Để nhận định cà phê bẩn hay sạch phải nhìn vào nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất và quy trình kiểm soát chất lượng mới có thể đánh giá được.

Người tiêu dùng cần phân biệt cà phê trộn với cà phê không an toàn 

Để có thể kiểm soát chất lượng cà phê thành phẩm, PGS.TS. Trần Quang Trung cho rằng, các cơ quan chức năng phải có kế hoạch định kỳ và dài hạn trong việc rà sát nguồn gốc nguyên liệu và chất lượng sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh có quy mô từ nhỏ đến lớn. Cơ quan nhà nước sẽ tiến hành lấy mẫu định kỳ, kiểm tra theo các chỉ tiêu mà doanh nghiệp đã công bố.

Như vậy, về nguyên tắc, các sản phẩm được phép cho ra thị trường hiện nay đều đã được trải qua quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt theo quy định. Tuy nhiên, thị trường kinh doanh cà phê ở Việt Nam hiện đang có quá nhiều thương hiệu, chủng loại khiến người tiêu dùng cũng mập mờ về chất và loại cà phê. 

Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm đến từ công ty lớn, uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, ghi nhãn mác đầy đủ để hạn chế tối đa việc uống phải sản phẩm cà phê bẩn gây hại cho sức khỏe.

PGS.TS. Trần Quang Trung cũng cho biết thêm, những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xóa bỏ nạn cà phê không an toàn tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chưa mạnh tay khiến tình hình vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Một phần do tình hình tự phát và tốc độ phát triển quá nhanh của các cơ sở kinh doanh cà phê, vì vậy, các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất và chế biến cà phê. 

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh cà phê hiện nay, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng đóng một phần vai trò quyết định trong việc kiểm soát thực trạng sản xuất kinh doanh cà phê. Các quán cà phê cũng cần được tuyên truyền hướng dẫn pha chế cà phê phải đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng cà phê nguyên liệu cũng như các thành phần pha chế đảm bảo an toàn cho người tiêu dung. 

Người tiêu dùng đóng vai trò định hướng trong thị trường cà phê, vì vậy không nên lựa chọn những sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa qua kiểm định, có nhãn mác không rõ ràng. Nếu người tiêu dùng không có nhu cầu sử dụng cà phê bẩn, các cơ sở kinh doanh cà phê bẩn cũng không có cơ hội để phát triển.


Dạ Miên
.
.
.