Anh hùng Lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí, công dân Thủ đô ưu tú - 2015:

Người ghi dấu ấn với ngành Huyết học - Truyền máu

Thứ Hai, 12/10/2015, 09:37
Nhắc tới AHLĐ,GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (HHTMTW) là nhắc đến ngành Huyết học – Truyền máu, đến phong trào hiến máu nhân đạo lan tỏa trong cộng đồng với những dấu ấn như Hành trình đỏ, Lễ hội Xuân hồng… và các công trình y học - ghép tế bào gốc...

Tôi có may mắn được cùng GS.TS Nguyễn Anh Trí đi Bắc Giang, khi ông mới về làm Viện trưởng Viện HHTMTW để thăm, tìm hiểu căn nguyên bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông). Cảm nhận của tôi về ông lúc đó là một người Viện trưởng bình dị, thân thiện, gần gũi luôn mang trong mình sự đau đáu tìm ra phương pháp chữa trị cho người bệnh. Hơn 10 năm sau, khi tên tuổi của ông đã rất nổi tiếng trong lĩnh vực y học thì phong thái đó, nụ cười đôn hậu đó vẫn luôn hiển hiện. 

Ông tâm sự rằng, được là Công dân Thủ đô ưu tú, ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Bởi những gì ông đóng góp cho Thủ đô cũng như là sự tri ân với mảnh đất đã cho ông tri thức, trí tuệ, lập thân, lập nghiệp…

GS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí sinh ra ở mảnh đất Lệ Thủy, Quảng Bình. Năm 1976, khi mới hơn 18 tuổi, chàng trai miền Trung rời quê ra Hà Nội để học tại Trường Đại học Y. Tốt nghiệp loại xuất sắc và được chọn tiếp tục học 3 năm bác sĩ nội trú, ra trường ông có 18 năm làm việc tại Khoa Huyết học – Truyền máu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí (bìa trái) đón nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.

Năm 2003, ông nhận trọng trách Viện trưởng Viện HHTMTW. 39 năm gắn bó với Thủ đô, Hà Nội không chỉ là quê hương thứ 2 mà còn là nơi “nghĩa nặng tình sâu” với ông khi được là học trò của những người thầy nổi tiếng từ các trường đại học, viện nghiên cứu; được làm việc với những người bạn, đồng nghiệp giỏi, tâm huyết và tốt bụng; bởi vậy ông đã nhận được rất nhiều tri thức, văn hóa, văn hiến để tích lũy kiến thức và thành công như ngày hôm nay.

GS.TS Nguyễn Anh Trí là người có những đóng góp quan trọng tạo nên bước phát triển vượt bậc trong hơn một thập niên vừa qua của hệ thống chuyên ngành Huyết học và Truyền máu của Việt Nam. Đỉnh cao là Lễ hội Xuân hồng mà ông là người khởi xướng. Thiếu máu cho cấp cứu và điều trị bệnh khiến ông mất ngủ, trăn trở. Và ông đã thực hiện được điều đau đáu trong lòng bằng việc khởi xướng và tổ chức Lễ hội Xuân hồng- lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước. Qua 8 năm triển khai, ở mỗi kỳ Lễ hội Xuân hồng đều thu hút 1,5 đến 2 vạn người, lần nào cũng tiếp nhận 7.000 đến 8.000 đơn vị máu. 

“Nếu như không đóng chân trên địa bàn Hà Nội, nơi có nền văn hóa, tri thức phát triển thì không thể có những kỳ Lễ hội Xuân hồng thành công rực rỡ như thế. Từ Bí thư Thành ủy đến cấp chính quyền xã, phường đều đồng hành cùng chúng tôi”- GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết. 

Có thể nói, Lễ hội Xuân hồng là biểu tượng của lòng nhân ái, là dấu ấn riêng của Viện HHTMTW và nó luôn tồn tại song hành cùng phong trào hiến máu nhân đạo. Sau nó, còn nhiều chương trình hiến máu ở Thủ đô nữa như là Chủ nhật đỏ, Giọt hồng nhân ái… đều được thành phố rất ủng hộ. 

Và thành công của chương trình hiến máu xuyên Việt là Hành trình đỏ mà nơi xuất phát và kết thúc đều ở Thủ đô cũng nhờ vào lực lượng tình nguyện viên, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Điều lớn nhất mà ông và tập thể đã đóng góp cho Thủ đô, đó là xây dựng được Trung tâm truyền máu Hà Nội. 

Ông cũng chính là “kiến trúc sư trưởng” trong việc thống nhất và cải tổ mạng lưới chuyên ngành Huyết học – Truyền máu trên toàn quốc với việc xây dựng nên các trung tâm truyền máu khu vực lan tỏa ra các vùng miền, được Bộ Y tế đánh giá rất cao.

GS.TS Nguyễn Anh Trí thăm khám cho các bệnh nhi.

Một lần, khi trò chuyện với ông về thành tựu y học xuất sắc của Việt Nam- ghép tế bào gốc, mắt ông lấp lánh niềm vui. Trải qua hơn 170 ca ghép tế bào gốc, đây là một đỉnh cao trí tuệ y học của nước nhà mà ông và tập thể GS, bác sỹ của Viện đã chinh phục được, mang lại sự sống cho biết bao người bệnh đang cận kề bên cái chết. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí không bao giờ thỏa hiệp khi chưa tìm ra căn nguyên của bệnh và cách điều trị. Và chính điều đó đã thôi thúc ông luôn đau đáu và cháy bỏng với các công trình nghiên cứu khoa học, tìm cách giành lấy sự sống cho người bệnh. 

Ông đã xây dựng và đưa được hệ thống kỹ thuật sàng lọc máu hiện đại (kỹ thuật NAT), tổ chức cung cấp máu và chế phẩm máu đến tận các bệnh viện; xây dựng được ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng; xây dựng lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả, bền vững nhằm đảm bảo an toàn truyền máu cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Ông cũng là Viện trưởng được bệnh nhân đặc biệt yêu mến. Nhìn vào cách ông thăm khám cho bệnh nhân, nhìn sự vui mừng khi bệnh nhân gặp ông, chúng tôi có thể hiểu vì sao ông nhận được tình cảm đó. 

Ông là Viện trưởng nghiêm khắc, quyết đoán, nói là làm nhưng cũng rất mềm dẻo, nhân văn trong xử lý công việc. Ông đã xây dựng được đội ngũ nhân viên y tế có y đức xếp hàng đầu trong cả nước. Từ chỗ chỉ có 86 cán bộ, y bác sĩ nằm trong Bệnh viện Bạch Mai, ông đã xây dựng Viện HHTMTW lớn mạnh và thành công như hiện nay, với gần 780 cán bộ, nhân viên dù chặng đường đó trải qua biết bao vận lộn, khó khăn. Ông bảo, chính những kiến thức tích lũy khi ông học ở Trường ĐH Luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là những “kinh nghiệm vàng” giúp ông điều hành tốt công việc.

Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, ông luôn thể hiện tình cảm chân thành với Hà Nội. Ông tâm sự: “Hà Nội là mảnh đất văn hiến, văn hóa và văn minh. Nơi đây đã tạo cho tôi những cảm xúc mới mẻ, tình cảm sâu nặng, ý nghĩ thăng hoa để làm tốt công tác chuyên môn. Nếu làm được gì tốt nhất cho Thủ đô thì tôi sẽ cố gắng hết sức”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí có trên 220 công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã được công bố ở trong và ngoài nước; viết 16 cuốn sách về lĩnh vực truyền máu. Với những đóng góp to lớn cho ngành Y tế, ông được phong tặng danh hiệu cao quý nhất của người thầy thuốc: Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng nhất và hạng ba… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Trần Hằng
.
.
.