Người dân ngại ăn thịt heo vì sợ mắc bệnh

Thứ Hai, 12/11/2018, 10:30
Ngày 12-11, Bác sĩ Quách Ái Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, kết quả xét nghiệm 904 mẫu máu người dân tại huyện biên giới Bù Gia Mập, Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia, phát hiện 108 mẫu nhiễm ấu trùng sán dây lợn. Mặc dù đây là căn bệnh thông thường nhưng thời gian qua đã gây hoang mang dư luận.


Bệnh thông thường, không nên lo lắng

Theo bác sĩ Quách Ái Đức, sau khi nhận thông báo nghi ngờ thịt heo nhiễm ấu trùng sán dây. Từ ngày 2 đến 10-4,  đoàn công tác Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM (Viện SR – KST – CT TP.HCM) phối hợp với các đơn vị y tế địa phương tỉnh Bình Phước tiến hành điều tra xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập thuộc huyện Bù Gia Mập.

Bác sĩ Quách Ái Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước.

Đến ngày 11-6, qua khám và xét nghiệm 904 người xác định có 108 người dương tính với ấu trùng sán dây lợn (bệnh heo gạo), chiếm 11,95%. Qua đó cho thấy, tỉ lệ mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn là cao so với tỉ lệ chung trên toàn quốc (2-6% số liệu từ một số nghiên cứu tại Việt Nam). Theo nghiên cứu ghi nhận mới nhất, đến nay cả nước có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán lợn.

“Đây mới chỉ là ổ bệnh chứ không phải dịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy tỉ lệ nhiễm bệnh là cao do điều tra này không phải là ngẫu nhiên mà tập trung vào điểm đích” – bác sĩ Đức khẳng định.

Về nguyên nhân, bác sĩ Đức cho biết do Bình Phước là vùng lưu hành, tập quán chăn nuôi thả rông và gia đình tự làm thịt heo. “Việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hoặc nang ấu trùng mà bị các thể bệnh khác nhau. Trong đó, bệnh sán trưởng thành ở ruột nếu ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành” – bác sĩ Đức nói.

Mẫu thịt lợn nhiễm bệnh sán dây lợn.

Nói về các biện pháp phòng ngừa bệnh, bác sĩ Đức cho hay Viện SR – KST – CT TP.HCM đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, giám sát các hộ nuôi lợn, đặc biệt các hộ nuôi lợn thả rông để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp nhiễm bệnh. Mặt khác, tuyên truyền đến người dân về chăn nuôi gia súc đúng cách, vệ sinh môi trường, ăn uống. Đặc biệt không nên ăn thịt lợn, trâu, bò và các sản phẩm từ thịt lợn, trâu, bò sống hoặc chưa nấu chín để tránh các bệnh về giun sán.

“Đến nay Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập đã cung cấp danh sách những trường hợp dương tính với sán dây lợn về cho các trạm y tế xã để các đơn vị này tư vấn, vận động những trường hợp nhiễm bệnh này về Viện SR – KST – CT TP.HCM khám, làm xét nghiệm và điều trị” - bác sĩ Đức nói.  

Cũng theo bác sĩ Đức, người dân không nên hoang mang, lo lắng về loại căn này. Bởi đây là căn bệnh tương đối phổ biến ở nhiều địa phương. Chỉ cần phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách bệnh sẽ khỏi.

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng

Ông Phạm Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết, đây là loại bệnh tương đối phổ biến ở nhiều địa phương, thời gian qua người dân trong vùng rất hoang mang sau khi tràn ngập báo chí thông tin về ổ bệnh này. Sau khi phát hiện bệnh sán dây lợn, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp thuốc điều trị cho 108 trường hợp bị phát hiện uống. Đồng thời, hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế chuyên điều trị loại bệnh này để được điều trị đúng cách. 

Ông Phạm Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập.

“Từ khi biết thông tin trên báo chí về tình trạng bệnh sán lợn ở địa phương, người dân rất hoang mang, lo lắng, ngại ăn thịt lợn vì sợ mắc bệnh này. Điều này ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan báo chí cần thông tin chính xác, khách quan về tình trạng bệnh, không thổi phồng, dùng những từ ngữ giật gân gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế xã hội địa phương” – ông Khanh nhấn mạnh.    

Cần được điều trị kịp thời

Trong khi đó, theo Viện SR – KST – CT TP.HCM - xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm cho thấy ấu trùng sán với mật độ rất cao, 50-70 nang ấu trùng trong một kg thịt. Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng. Theo Viện SR – KST – CT TP.HCM, đây là một tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín. 

Các chuyên gia lấy mẫu lợn tại Bình Phước xét nghiệm.

Viện đã có văn bản thông báo cho ngành y tế địa phương về tình trạng nói trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho người dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện một số rất ít, có thể là do cơ sở y tế địa phương thiếu thuốc điều trị. Mặt khác, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường đến người dân chưa được giải quyết triệt để. Bệnh có thể đã xảy ra ở nhiều địa phương khác nhưng chưa được phát hiện.

Tại Việt Nam, theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ ấu trùng sán lợn. Bệnh ấu trùng sán lợn nếu người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn nếu nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,...

Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Các bác sĩ khuyến cáo, để điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. 

Đức Trí
.
.
.