'Ngôi nhà an toàn' cho trẻ để vui Xuân trọn vẹn

Thứ Ba, 26/01/2016, 19:57
Đó cũng là thông điệp từ các thầy thuốc bệnh viện (BV) Nhi gửi tới các bậc cha mẹ trong dịp vui Xuân, nhất là tới các bà mẹ dù bận việc nội trợ đến mấy cũng không được lơ là, quên để mắt tới con trẻ. Vì chỉ cần trong tích tắc do chủ quan, mà có thể phải ân hận suốt đời do tai nạn sinh hoạt xảy đến với trẻ quá nhanh.

Ghi nhận từ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi dịp Tết, khoa thường tiếp nhận, cấp cứu cho khoảng 8-10 trường hợp trẻ bị tai nạn trong nhiều tình huống khác nhau mà rất cần được cảnh báo.

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân trẻ bị tai nạn trong dịp Tết một phần vì những người giúp việc, trông trẻ đã thường về quê, trẻ được giao lại cho cha mẹ, người nhà, lại đúng lúc quá bận việc.

Trong đó, các tình huống phổ biến, có thể kể ra như: Phụ huynh bận nấu ăn dưới bếp, để bé một mình trên giường, đã biết bò, lẫy, và té xuống khỏi giường, u đầu, chấn thương đầu; hay trẻ bị té cầu thang, vướng lan can ở cầu thang; do không có lưới che giữa các thanh chắn ở tay vịn cầu thang, có trẻ còn bị kẹt cổ  giữa 2 thanh sắt cầu thang, mà không rút cổ ra được; hoặc ba mẹ đang chơi trên lầu, quên đóng cửa ở lan can trên gác, bé mò mẫm ra, thấy ghế, leo lên và rớt xuống dưới…

Rất nhiều tình huống tai nạn sinh hoạt khác trong ngày Tết đến bất ngờ với trẻ mà khi nhập viện khiến các BS hết sức xót xa. Có bé trai khoảng gần 3 tuổi mò mẫm lấy được ví của mẹ, thấy cái vỉ thuốc tránh thai, tưởng là kẹo, bóc ra ăn và bị ngộ độc. Rất may vì đó là những viên cuối của vỉ( bổ sắt) nên không xảy ra tình trạng tụt huyết áp nguy hiểm như uống phải viên bổ sung estogen nên các BS đã cứu được.

Khoa Hồi sức tích cực-chống độc BV Nhi đồng 1, nơi thường tiếp nhận điều trị trẻ bị tai nạn sinh hoạt trong dịp Tết.

Nhiều bé sờ vào ổ điện, bị bỏng điện, do cha mẹ sau khi sử dụng không đóng nắp ổ điện lại; mải lo cúng Tết, bàn thờ có chiếc khăn trải bàn để cho đẹp, bé tò mò, không với tới được mặt bàn thờ, nhưng với được góc chiếc khăn trải bàn và kéo xuống, thức ăn cùng đèn nhang, ấm trà nóng đang đặt phía trên đổ ập xuống đầu, gây bỏng; xuống bếp ngày Tết thường có những nồi nấu thức ăn rất to như nồi luộc gà, hấp xôi…trẻ thấy “hấp dẫn” và muốn …tìm hiểu. 

Tai nạn xảy ra ngay lập tức. Có trẻ cho nguyên cả bàn tay vào nồi thịt kho trứng, nồi luộc gà và bỏng rất nặng. “ Do đó nếu không giữ được phải bàn giao trẻ cho người khác cẩn thận, không được lơi giây phút nào”. BS Minh Tiến nhấn mạnh.

BS Minh Tiến cũng dẫn chứng một số tình huống tai nạn khác cũng rất phổ biến dịp Tết là việc trẻ uống nhầm dấm, uống nhầm dầu hôi, hóa chất. Nguyên nhân do các phụ huynh (ở nông thôn) hay đựng các loại này trong chai nước tinh khiết, trẻ tìm được ở trong nhà. Khi uống phải các chất này thường gây tình trạng viêm phổi, gây bỏng thực quản, mà di chứng đáng sợ nhất là dù được cấp cứu vẫn gây hội chứng co thắt sau này, khó ăn uống bình thường trong suốt cuộc đời còn lại.

Có trẻ bị bỏng thực quản cha mẹ không biết, khi thấy bé không ăn được từ thức ăn đặc, rồi qua thức ăn loãng, cuối cùng nước cũng không uống nổi nữa, do thực quản đã co thắt quá hẹp. Khi ấy, đưa nhập viện buộc phải phẫu thuật nong thực quản nhiều lần.

Do đó, BS Tiến cho rằng, thay cho một “ngôi nhà xinh” của đôi vợ chồng son, khi có con, các cặp vợ chồng nhất thiết phải thay đổi thành một “ngôi nhà an toàn” cho trẻ. Trong đó, hãy cố gắng nắm bắt, thiết kế vật dụng trong nhà sao cho mọi hoạt động của con trẻ đều trong tầm mắt của mình.

Từ thực tế các ca trẻ phải nhập viện cấp cứu ngày Tết mà BS Tiến đưa ra những dẫn chứng cụ thể qua đó cha mẹ phòng tránh được cho con như: Chân cầu thang, nhất định phải thiết kế một cái cửa đóng lại, để trẻ ở trên không té xuống; chậu bông trên bậu cửa, thành tường sao để trẻ với không tới được; chậu bông có treo đèn nhấp nháy trang trí ngày Tết luôn có sức hấp dẫn trẻ, vậy hãy để ổ điện có nắp đậy để trẻ có cầm, nắm phải cũng không bị giật. Hãy kiểm tra có chỗ nào trên đường dây điện trong nhà bị rò, rỉ, hở điện, bị chuột cắn hay không.

Vì đã có trẻ bị giật điện từ dây đèn trang trí mà nhập viện đã trong tình trạng ngưng tim; Hòn non bộ trong nhà, thường thiết kế dưới gầm cầu thang, nhưng khi có con trẻ rồi, mong các bậc cha mẹ hãy tạm ngưng, để hồ nước của Hòn non bộ không trở thành cái “bẫy” cho trẻ té, ngã vào gây ngạt nước. Khi trẻ lớn ngoài 3 tuổi trở lên, có ý thức hơn, biết la gọi khi gặp nguy hiểm, khi ấy hãy tính tới thiết kế lại việc trang trí này.

Một tai nạn nữa không thể không nhắc tới là đề phòng hóc dị vật ở trẻ. Thấy người lớn ăn dưa hấu, ăn hạt dưa, hạt bí, trẻ bắt chước theo. Trong quá trình đùa giỡn, vui chơi thường xảy ra tình huống sặc, hóc dị vật. Hóc vào đường thở thì gây viêm phổi hít, gây ho, sặc sụa, tím tái thậm chí tử vong do không kịp sơ cấp cứu hay do can thiệp không thích hợp.

Theo BS Tiến, nếu trẻ bị dị vật đường thở làm tím tái, không la được, lúc này cha mẹ cần áp dụng “kỹ năng” sơ cấp cứu là “thủ thuật ấn vùng thượng vị”, để làm văng, bắn được dị vật ra thì tốt. Nếu  thấy tình trạng trẻ vẫn la, khóc được, có nghĩa đường thở vẫn thông, hãy bế trẻ trong tư thế thích hợp nhất, tới ngay bệnh viện Chuyên khoa Tai mũi họng để được cấp cứu đúng cách. Không tự làm vì có trường hợp trẻ hóc đồng tiền xu, vị trí mới khi hóc, đồng tiền đang nằm dọc, cha mẹ tác động ngón tay cho trẻ ói ra nhưng không thành công, đồng tiền lại xoay ngang, trẻ rơi vào tình trạng bị bít đường thở, có thể gây tím tái tử vong…

Huyền Nga
.
.
.