Nghịch lý chi tiền để... mua bệnh

Thứ Bảy, 02/09/2017, 05:57
Biết rõ sử dụng thuốc lá sẽ mắc bệnh nhưng nhiều người vẫn cố tình làm ngơ trước tác hại của nó để thỏa mãn sự nghiện ngập của mình. Sử dụng thuốc lá không chỉ gây ra chi phí khổng lồ trong chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá mà còn cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.

Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ.

Tổn thất khổng lồ

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.

Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương từ cách đây nhiều năm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.

* Theo con số thống kê, trong năm 2015, Việt Nam chi 31 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá.

* Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do hút thuốc gây ra tại Việt Nam là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62.7%. Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia, hút thuốc còn ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo. Tiền mua thuốc lá làm giảm các khoản chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới tổng hợp một số nghiên cứu tại một số đơn vị hành chính của một số quốc gia cho thấy, tại Australia tiền mua thuốc lá chiếm tới 7% chi tiêu của hộ gia đình, ở Hungary là 10.4%, và ở nông thôn Tây Nam Trung Quốc là 11%. Ở Bangladesh nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng. Trung bình ở các nước, các hộ nghèo có người hút thuốc phải tiêu tốn từ 3% đến 15% thu nhập của cả hộ gia đình cho thuốc lá.

Bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá còn làm suy giảm năng suất lao động, giảm thu nhập của hộ gia đình.

Dừng hút thuốc để bảo vệ mình và cộng đồng

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không thể bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Năm 2015 người dân Việt Nam đã chi 31 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá.

Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghãn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột qụy) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.

 Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một cuộc điều ra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình.

Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống. Thế nên, việc giảm số người hút thuốc lá được Chính phủ rất coi trọng. Mạng lưới phòng chống tác hại thuốc lá hiện đã có ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, có nhiều mô hình không khói thuốc ở các công sở, trường học, cơ sở y tế... đã phát huy hiệu quả. Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016, bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu cán bộ, viên chức phải thực hiện nghiêm không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường...

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm số người sử dụng thuốc lá, tuy nhiên bộ phận lớn người dân vẫn chưa có ý thức từ bỏ thuốc lá. Trước gánh nặng kinh tế và nguy cơ bệnh tật nhìn từ những con số cảnh báo như trên, mỗi người dân cần có ý thức và quyết tâm từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và giữ môi trường trong sạch cho người thân và cộng đồng.

Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), con số về tổn thất xã hội do hút thuốc gây ra ước tính ở một số nước như sau: Tại Mỹ, mức tổn thất này được ước tính là 184,5 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm; Đức: 24,4 tỷ USD; Pháp: 16,4 tỷ USD; Australia: 14,2 tỷ USD; và tại Trung Quốc là: 4,3 tỷ USD.

Theo ước tính, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%. Mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 1,1 triệu vụ cháy, 17.300 ca tử vong, 60.000 ca thương tích và 27 tỷ USD tổn thất tài sản.


Minh Phương
.
.
.