Nghẹn ngào tiễn đưa Thiếu tướng, GS. TSKH Lê Thế Trung

Thứ Sáu, 15/06/2018, 13:29
Tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103 từ sáng sớm nay có rất đông bà con, đồng đội, đồng nghiệp, học trò, những người bệnh nhân cũ cùng hàng trăm người dân đã tới nghiêm trang xếp hàng để chờ vào viếng, tri ân và tiễn đưa Thiếu tướng, danh y Lê Thế Trung.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, đã từ trần hồi 15h15, ngày 10-6-2018 tại Bệnh viện Quân y 103, hưởng thọ 92 tuổi.
Từ sáng sớm nay (15-6), tại nhà Tang lễ Bệnh viện Quân y 103, Ban tổ chức lễ tang đồng chí Thiếu tướng Lê Thế Trung bắt đầu tiếp đón các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương, các ban, ngành, bạn bè, đồng đội, học trò, bệnh nhân cùng hàng ngàn người dân đến viếng, tri ân và chia buồn.

Lễ tang Thiếu tướng Lê Thế Trung được tổ chức theo nghi thức cấp cao của Quân đội nhân dân. Lễ viếng diễn ra từ 9 đến 13h. Lễ truy điệu vào hồi 13h cùng ngày. Theo di nguyện lúc sinh thời, sau lễ truy điệu, ông sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.
Tổng Bí thư, Bí thư Quân uỷ Trung ương Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã gửi vòng hoa kính viếng.

Trong khoảnh khắc vĩnh biệt vị danh y của đất nước, người ta nhìn thấy nhiều giọt nước mắt lăn dài trên má những người tiễn đưa người GS. Lê Thế Trung - người ông, người cha, người bạn, người thầy đáng kính.
“Nhận được cụ Trung mất, cả nhà em đều bàng hoàng. Em đã gọi điện báo cho bố mẹ lúc ấy còn đang gặt lúa ngoài đồng. Hôm nay cả nhà đã có mặt đầy đủ để viếng cụ”, em Nguyễn Thị Diệp, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện ghép gan nhờ đôi bàn tay của GS. TSKH Lê Thế Trung cùng đồng nghiệp, nghẹn ngào nói với CAND Online.
Ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam diễn ra vào tháng 1-2004, khi đó Diệp mới 9 tuổi còn GS. TSKH Lê Thế Trung đã bước vào tuổi 78. Trong câu chuyện, Diệp không quên nhớ lại những kỷ niệm về lần tái sinh của mình. Lúc đó, Diệp còn quá bé để nhớ hết mọi chuyện nhưng qua lời người lớn, Diệp hiểu rằng em sẽ không thể đứng đây nữa nếu không được GS. TSKH Lê Thế Trung cùng các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 cứu giúp. Hôm nay, Diệp đeo khăn tang, mặc áo đen đứng chịu tang GS. TSKH Lê Thế Trung.
Viết trong sổ tang, GS. TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam khẳng định GS. TSKH Lê Thế Trung chính là người tiên phong trong ghép thận ở Việt Nam, đánh dấu sự phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời đặt nền móng cho ghép tạng Việt Nam.
Dòng người vào viếng GS. Trung có ông Dương Đình Đạt và những bạn bè đã ngoài 90 tuổi. Ông Đạt, sinh năm 1928, Đại tá, nguyên là trưởng phòng Tổng hợp, Cục Y tế - Bộ Công an, là bạn học với GS. Trung từ năm 1949 tại khoá đầu tiên của trường Quân y sĩ Việt Nam (nay là Học viện Quân y). Ông Đạt kể GS. Trung luôn là người giỏi nhất, cố gắng nhất và tình cảm nhất với bạn bè, đồng nghiệp từ khi đi học. Dù bận rộn với công tác nghiên cứu nhưng không bao giờ quên những người bạn thiếu thời. Bởi vậy, khi biết tin GS. Trung mất, mọi người đều rất xót xa.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ Tiền khởi nghĩa Lê Thế Trung; sinh năm 1927; quê quán: phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; trú quán tại Tổ dân phố số 9, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Giám đốc Học viện Quân y.
Trong suốt cuộc đời cống hiến, đồng chí Lê Thế Trung cũng đã được trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp Y tế; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều khen thưởng khác.
PGS. TS. Lê Văn Thảo, một học trò cũ của GS. Trung viết trong sổ tang: "Các thế hệ học trò cũ được Thầy đào tạo luôn ghi nhớ công ơn và lời dạy của Thầy rằng luôn phải khéo léo kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền". 

Thiện Minh
.
.
.