Ngành Y tế tham vọng từ khủng hoảng truyền thông thành hình mẫu

Thứ Ba, 08/12/2015, 17:33
Chiều 8-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, với hội thảo này, Bộ Y tế tiếp tục lắng nghe ý kiến của các cơ quan báo chí để công tác truyền thông y tế ngày càng hiệu quả. Ngành y tế có tham vọng là từ chỗ khủng hoảng truyền thông sẽ trở thành mô hình mẫu về phối hợp với truyền thông, vì lợi ích của nhân dân. thông tin về công tác y tế vô cùng quan trọng vì liên quan mật thiết đến sức khỏe mỗi người, nên được toàn xã hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho ngành y tế.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thế Vinh, Phó Tổng Biên tập báo Vietnamnet, nhiều vụ việc nóng xảy ra, báo chí không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ ngành chức năng. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, vòng vo còn diễn ra. Khi nguồn tin chính thống bị bưng bít sẽ dẫn đến nhiễu loạn thông tin, gồm cả các chuyên gia và mạng xã hội. Vụ dịch sởi năm 2014, vụ 3 cháu bé tử vong sau tiêm vaccine ở Quảng Trị, sau tiêm Quinvaxem là ví dụ. Chính điều này khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống y tế, dễ có phản ứng tiêu cực khi có tai biến y khoa. Tình trạng né tránh thông tin tạo thành sự chậm trễ và gây hiệu ứng ngược.

Các đại biểu ghi nhận gần đây, Bộ Y tế đã có nhiều cải tiến trong công tác truyền thông, song vẫn cần có phản ứng kịp thời hơn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Theo đại diện báo Infonet, vấn đề nổi lên gần đây là thông tin y tế xuất hiện từ mạng xã hội, độ tin cậy rất thấp, nhưng lại mang tính giật gân nên độ lan tỏa cao, khiến nhiều người hoang mang, như tin về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Việt Nam, mỳ tôm có đỉa vv… Vì thế, Bộ Y tế và các bệnh viện cần sử dụng mạng xã hội để cung cấp nguồn tin chính thống, khoa học, dập tan tin đồn.

Đại diện các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm giúp hoạt động truyền thông về y tế đạt hiệu quả cao.

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Paster TP. Hồ Chí Minh, Ths. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Truyền thông (Bộ Y tế) và nhiều đại diện của ngành y tế đều cho rằng, thông tin trên mạng xã hội được đăng tải quá nhanh, không được kiểm chứng là những thách thức cho ngành y tế. Tới đây, ngành y tế mong muốn sẽ tăng cường hợp tác với truyền thông các cấp, từ Trung ương đến địa phương, để thông tin kịp thời, tránh gây hoang mang cho người dân khi có sự việc. Vấn đề quan trọng là ngành y tế sẽ nỗ lực nhiều hơn để tạo được niềm tin cho nhân dân.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, sai lầm của một bác sỹ có thể ảnh hưởng đến một người nhưng một thông tin sai có thể gây hậu quả cho nhiều người, cho xã hội. Bộ Y tế chủ động phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng viết về tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở điều dưỡng… tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí nhanh nhất, chính xác nhất.

Thanh Hằng
.
.
.