30 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam:

Ngăn chặn hơn nửa triệu người nhiễm mới, cứu 200 nghìn người khỏi tử vong

Thứ Sáu, 04/12/2020, 07:59
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS vào sáng 1/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%...


Sau 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1990, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, Việt Nam từng bước kiểm soát được đại dịch, trở thành 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số người mắc HIV/AIDS hàng năm ở nước ta vẫn trên 10.000 người, gần 2.000 người tử vong và nguy hiểm là có khoảng 40.000 người mắc HIV sống trong cộng đồng nhưng lại không biết mình bị nhiễm bệnh.

Giảm mạnh lây truyền từ mẹ sang con

Ca nhiễm HIV đầu tiên ở nước ta là 1 phụ nữ sống tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1990, đến nay sau 30 năm, bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh, hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và điều trị thuốc ARV (thuốc ức chế virus HIV) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Trước đây, HIV chủ yếu lây truyền từ đối tượng nghiện ma túy, từ mẹ sang con, hoạt động mại dâm, nay nhóm lây nhiễm này hiện đã giảm. Đặc biệt, số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 3 năm gần đây đều dưới 2%.

Người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thuốc ARV, có thể sống thêm từ 50-60 năm.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS đánh giá, gần 30 năm triển khai điều trị HIV/AIDS, kết quả nổi bật được ghi nhận là từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000, đến nay đã có 446 cơ sở; số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 55 lần với hơn 150.000 bệnh nhân đang điều trị ARV; tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) đến nay là trên 90%. Đến nay có hơn 55.000 bệnh nhân điều trị ARV từ nguồn BHYT tại 259 cơ sở điều trị HIV/AIDS trong cả nước.

Ông Long khẳng định, việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Trong những năm 2009, số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hằng năm khoảng 7.000 đến 8.000 ca, đến nay số ca tử vong khoảng 1.000-2.000 ca mỗi năm. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ điều trị, tăng số người được điều trị ARV, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, điều trị đồng nhiễm lao/HIV, viên gan virus/HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, tăng cường điều trị ARV trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín…

Chấm dứt đại dịch vào năm 2030 – khó khăn phía trước

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS vào sáng 1/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%. Trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và cứu được hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ.

Năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp chúng ta giảm trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có được những kết quả đáng tự hào, được thế giới đánh giá cao.

Ngoài sự nỗ lực của mình, trong những năm qua Việt Nam cũng luôn là quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đem lại kết quả rất tích cực. Dù vậy, theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi năm cả nước vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 2.000 người tử vong. Tình trạng kỳ thị, phân biệt người có HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đây sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam lựa chọn chủ đề là: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng tin tưởng mạnh mẽ rằng, Việt Nam sẽ chấm dứt được cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, lơ là trong phòng chống đại dịch.

Trần Hằng
.
.
.