Liên tiếp nhiều vụ hành hung thầy thuốc trong bệnh viện:

Ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng thầy thuốc

Thứ Tư, 10/12/2014, 10:38
Gần đây, xảy ra hàng loạt vụ hành hung nhân viên y tế trong bệnh viện (BV), với mức độ bạo hành ngày càng táo tợn và nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần cán bộ y tế. Tìm hiểu nguyên nhân, nhằm tìm ra giải pháp bảo vệ người thầy thuốc, là lý do để Bộ Y tế tổ chức cuộc tọa đàm “Bảo vệ người lao động ngành Y, chống bạo hành trong BV” tại Hà Nội ngày 9/12.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trong BV đã được “mổ xẻ”, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Đó là do sự manh động của một số đối tượng; thiết kế để bảo vệ an ninh BV chưa bảo đảm, phòng cấp cứu của BV mà người nhà bệnh nhân vẫn có thể đi lại bất cứ lúc nào. Đặc biệt là khung pháp lý chưa đủ sức răn đe hành vi hành hung thầy thuốc.

Hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều ở phòng khám, cấp cứu, nên những nơi này cần bố trí bảo vệ để có thể can thiệp ngay, đồng thời, phối hợp với Công an cơ sở để xử lý các tình huống khẩn cấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, do tình trạng thiếu chuyên nghiệp của một số thầy thuốc, dẫn đến cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa được tốt, dẫn đến việc bạo hành ở BV. Thực tế vào BV, nhiều người bệnh bị thầy thuốc cáu gắt, quát mắng, rồi có cả sự chậm trễ, thiếu ý thức trong việc đón tiếp, khám, chữa bệnh. Cách đối xử thiếu công bằng của bác sĩ với người bệnh biếu tiền và không biếu tiền cũng dẫn đến sự bức xúc của bệnh nhân. Vì thế, thầy thuốc phải giỏi chuyên môn, phải chăm sóc và điều trị người bệnh chứ không chỉ điều trị bệnh, đồng thời, các BV cần quan tâm đào tạo cho nhân viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân; kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh; kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong bệnh viện...

Các thầy thuốc cần được bảo vệ an toàn mới có thể yên tâm cứu chữa bệnh nhân.

Nhiều nhà chuyên môn, nhà quản lý cho rằng, tình trạng quá tải khiến các thầy thuốc phải làm việc căng thẳng, chịu sức ép rất lớn đã làm ảnh hưởng đến thái độ, tâm lý các y bác sĩ, dẫn đến thái độ chưa chuẩn mực của nhân viên y tế với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều rơi vào BV công, cũng đặt ra một vấn đề: Cần xem lại cơ chế chính sách dẫn đến thái độ “cửa quyền” ban phát với người bệnh của nhân viên y tế, thay vì người bệnh thực sự là thượng đế như hệ thống BV tư...

Đại diện của một BV từng có nhiều vụ nhân viên y tế bị hành hung, GS.TS.Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, kiến nghị: Phải có sự phối hợp giữa các cơ quan pháp luật để phát hiện, điều tra, xử lý đúng người đúng việc. Các phương tiện thông tin đại chúng thông tin rộng rãi, như một công cụ cảnh báo với người dân, giúp người dân hiểu không được có những hành động bạo hành và làm như vậy sẽ bị xử lý theo pháp luật. Sớm có cơ chế bảo hiểm cho cán bộ y tế, có luật sư, để chẳng may có sai sót y khoa xảy ra có thể đàm phán, giải quyết với người nhà bệnh nhân.

Một vấn đề cũng được đặt ra tại buổi tọa đàm: Đó là chính sách pháp luật đã quy định chi tiết và đầy đủ, nhưng thực tế làm chưa đầy đủ. Các hành vi bạo hành tại các BV đủ để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích. Nhưng vì sao các vụ bạo hành xảy ra mà chưa được xử lý xác đáng? Các BV cần có một luật sư để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của các y bác sĩ...

Nhiều ý kiến coi trọng vai trò của truyền thông trong việc góp phần ngăn chặn các vụ việc hành hung ở BV, bằng việc, bên cạnh đưa tin bài về những tấm gương tốt của cán bộ y tế, việc phản ánh chân thực các vụ bạo hành trong BV, báo chí cũng lên án, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến danh dự, tính mạng thầy thuốc.

Dạ Miên
.
.
.