Ngăn chặn "cò" bằng cải cách thủ tục khám bệnh

Thứ Tư, 10/01/2018, 18:15
Tại hội nghị về công tác chuyên môn tổ chức chiều 10-1, PGS.TS Trần Văn Thuấn-Giám đốc Bệnh viện K cho biết, năm 2017, đã có 390.668 lượt người khám và điều trị tại Bệnh viện, tăng 47% so với năm 2016.


Trước lượng bệnh nhân luôn quá tải, Bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp để cải tiến quy trình khám, chữa bệnh (KCB): tiếp đón, hướng dẫn người bệnh, giảm thiểu thủ tục hành chính ở cả 3 cơ sở; duy trì 35 bàn khám, trong đó 25 bàn khám phục vụ người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT); dù muộn cũng giải quyết hết những trường hợp khám trong ngày, không để người dân chờ đến hôm sau; rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm vv…

Một vấn đề “nóng” ở Bệnh viện là tình trạng cò mồi. Vì thế, Bệnh viện K đã hạn chế tình trạng cò mồi và giảm quá tải ở phòng khám bằng việc tổ chức khám bệnh sớm từ 5h45 thay cho 7h30 như trước; tổ chức khám bệnh theo yêu cầu; nghiêm cấm việc giới thiệu bệnh nhân ra khám và làm xét nghiệm ở các cơ sở bên ngoài; không công nhận các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng ở các cơ sở tư nhân không có văn bản hợp tác với Bệnh viện; cải tiến quy trình cho người bệnh nhập viện…

Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tại hội nghị

Bệnh viện còn triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu về ngoại như phẫu thuật thần kinh, cắt gan, cắt khối tá tụy, các phẫu thuật nội soi, tạo hình,vi phẫu... nên tổng số ca phẫu thuật năm 2017 đã  đạt 21.126 ca, tăng 37% so với năm 2016 (15.474 ca). 

Hàng loạt kỹ thuật cao được áp dụng trong  xạ trị  như hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng Infinity, xạ trị điều biến liều collimator đa lá, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh, để nâng cao chất lượng khám và điều trị,  giảm tải công suất giường bệnh. Ngoài ra, còn tổ chức các dịch vụ cận lâm sàng theo yêu cầu như nội soi gây mê, soi đại trực tràng sớm, trả kết quả mô bệnh học sớm trong vòng 30h hoặc 48h…đã có tác dụng giảm tải hiệu quả.

PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết thêm, Bệnh viện đặc biệt chú trọng phát triển kỹ thuật cao nên hiện đã triển khai hệ thống gia tốc xạ trị có chức năng xạ phẫu và hệ thống PET/CT hiện đại nhất thế giới, giảm tối đa ảnh hưởng của các tia xạ và rút ngắn thời gian điều trị tới 50; tăng khả năng phát hiện ung sớm và khả năng điều trị thành công; phát hiện các di căn xa và di căn hạch giai đoạn sớm mà nhiều thiết bị khác không phát hiện được. Việc có thêm trang thiết bị hiện đại cùng với việc cải cách thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian KCB, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người bệnh.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong  điều trị bệnh nhân ung thư

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, điều trăn trở nhất hiện nay là có tới trên 70% người bệnh ung thư tới KCB ở giai đoạn muộn. Do đó,  Bệnh viện K cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết nếu phát hiện sớm ung thư vẫn điều trị thành công. Đặc biệt, có thể phòng được trên 30% bệnh ung thư, như chỉ cần không hút thuốc đã loại trừ được trên 90% ung thư phổi, 80% ung thư thanh quản; dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tập luyện, tiêm vaccine phòng viêm gan B, vaccine phòng virus gây u nhú ở người, đã loại được phần lớn ung thư gan, cổ tử cung, đại trực tràng, vú…. 

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể chữa khỏi trên 30% người bệnh ung thư tiếp theo và các liệu pháp chính thống kết hợp với chăm sóc, có thể nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm cho 1/3 người bệnh ung thư còn lại. BHYT chính là cứu cánh cho người dân nếu không may mắc bệnh bởi ung thư có chi phí khá cao.

“Việc phát triển các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo thế mạnh mũi nhọn cho Bệnh viện, đồng thời mang lại lợi ích cho bệnh nhân như: Đề án áp dụng phương pháp xạ trị bằng Proton/Ion nặng và điều trị I-ốt phóng xạ I-131, hệ thống chuyển xét nghiệm tự động, ngân hàng mô, hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm tự động, pha chế thuốc tập trung.”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. 


Thanh Hằng
.
.
.