Muốn y tế cơ sở mạnh, phải có chính sách “giữ chân” bác sĩ

Thứ Bảy, 22/09/2018, 21:20
Với khoảng 80% dân số sống ở vùng nông thôn, thì mạng lưới hơn 11.100 trạm y tế xã, phường đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, mạng lưới y tế cơ sở này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật hiện nay cũng như sự phát triển của xã hội, nên chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người dân.


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hệ thống trạm y tế rải trên toàn quốc đóng góp vai trò rất lớn trong vấn đề CSSK nhân dân. Điển hình là năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được dịch SARS do ở gần dân, lại có sự tăng cường lực lượng chuyên môn ở tuyến trên về nên đã phát hiện kịp thời và kiểm soát khống chế dịch bệnh thành công. Bên cạnh đó, nhiều chương trình CSSK người dân được triển khai: tiêm chủng mở rộng, CSSK bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh môi trường...

Cơ cấu bệnh tật thay đổi đòi hỏi y tế cơ sở phải thay đổi để thích ứng. Cách đây khoảng 20 năm có đến 60-70% là bệnh truyền nhiễm, nay thì ngược lại khoảng 70% là các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, hen phế quản...

Trước đây nhiệm vụ trạm y tế là khám chữa bệnh (KCB) và cấp cứu thông thường. Nhưng mô hình bệnh tật hiện nay bệnh mãn tính không còn là bệnh thông thường, nên phải chuyển sang nội dung mới là tăng cường CSSK ban đầu. Việc KCB chưa chuyển đổi kịp nên có tình trạng người dân vượt tuyến, trong khi có thể KCB được tại tuyến đầu. Nhiều trường hợp hàng tháng lên bệnh viện tuyến tỉnh để khám những bệnh mãn tính chỉ đòi hỏi khám 1 lần và cấp thuốc 1 lần, gây lãng phí mà không hiệu quả.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát, khảo sát ở các tuyến y tế cơ sở và phát hiện có nhiều tồn tại. 

Thứ nhất, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến xã, còn hạn chế. 

Thứ hai, chưa làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cho nhân dân tự CSSK, hoặc nhận thức đúng về tuyến y tế cơ sở. 

Thứ ba, tỷ trọng ngân sách nhà nước hiện đầu tư cho ngành y tế ở tuyến xã còn rất hạn chế. Vì thế, Chính phủ cần tập trung các nguồn lực từ nước ngoài, vốn ODA, kể cả ngân sách, để nâng cấp tuyến y tế xã. Như vậy mới tạo niềm tin cho người dân gắn bó với y tế cơ sở.

Không có chế độ thu hút, sẽ khó có bác sĩ giỏi ở tuyến xã  

Cuối cùng là nguồn nhân lực. Việc giám sát cho thấy ít nhất trạm y tế xã có một bác sĩ là tốt nhưng không nhất thiết là mô hình cơ bản. Có thể luân chuyển các bác sĩ từ tuyến huyện, tuyến tỉnh xuống tuyến xã làm việc một, hai ngày. 

Hiện nay, nói đến trạm y tế xã là người ta nghĩ ngay đến thiếu bác sĩ, thậm chí không có niềm tin vào khả năng KCB tại đây. Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết: Trong ngành y, một trong những vấn đề mấu chốt quyết định năng lực cung ứng dịch vụ là trình độ chuyên môn của cán bộ. Nhiều năm qua Bộ Y tế đã triển khai và phấn đấu mỗi trạm y tế có một bác sĩ. Hiện có hơn 85% trạm y tế đã có bác sĩ làm việc. Song điểm yếu ở các trạm y tế là năng lực quản lý bệnh mãn tính, nguồn lực có hạn và nhận thức của địa phương còn hạn chế vv…

Không chỉ tuyến xã, việc thu hút nhân tài và đầu tư trang thiết bị y tế tại các Trung tâm y tế (TTYT) huyện cũng gặp những khó khăn. Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, để thu hút bác sĩ giỏi về trạm y tế, cần cải cách chế độ lương. Vì lương của nhân viên y tế hiện nay rất  thấp, bác sĩ học 6 năm ra trường cũng bằng các ngành khác trong ngành y tế học 4 năm. Mặt khác, khi về trạm y tế, phải có chế độ gì để thu hút bác sĩ giỏi, còn hiện tại chủ là giao nhiệm vụ cho các bác sĩ giỏi luân phiên về trạm y tế.

BS Phạm Quang Hải, Giám đốc TTYT Sóc Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm thu hút người tài của cơ sở điển hình về y tế cơ sở là: Nhân tố con người đóng vai trò thành bại của y tế cơ sở. Vì thế, TTYT Sóc Sơn đã kết nối được với nhiều bệnh viện tuyến trên, như Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bộ môn y học gia đình vv… nên khi bác sĩ tuyến trên về giúp Trung tâm thì các bác sĩ của Trung tâm  được cầm tay chỉ việc – tức là thỏa mãn nhu cầu đào tạo, đó cũng là hình thức để giữ chân bác sĩ. 

Về tài chính, Trung tâm đặt ra mục tiêu là bác sĩ nuôi được chính mình và nuôi được con cái nên hiện tại nhiều bác sĩ của TTYT Sóc Sơn đã có thu nhập hơn 10 triệu/tháng. 

Trung tâm cố gắng đến năm 2020, ngoài lương, các bác sĩ có thu nhập khoảng 10 triệu nữa. Để “giữ chân” bác sĩ giỏi còn cần có cơ chế đào tạo liên tục. Mỗi năm TTYT Sóc Sơn chi khoảng 2 tỷ cho quỹ phát triển để phục vụ việc đào tạo bác sĩ-một yếu tố quan trọng để thu hút các bác sĩ ở lại công tác.

Thanh Hằng
.
.
.